MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỀ MÔ HÌNH KINH DOANH CÁC SẢN PHẨM BÁO CHÍ TRONG KỶ NGUYÊN KỸ THUẬT SỐ TẠI VIỆT NAM

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT VỀ MÔ HÌNH KINH DOANH CÁC SẢN PHẨM BÁO CHÍ TRONG KỶ NGUYÊN KỸ THUẬT SỐ TẠI VIỆT NAM

1. Đặt vấn đề

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mặc dù hoạt động kinh doanh báo chí từ lâu đã trở thành một ngành kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng với những thay đổi nhanh chóng trong kỷ nguyên 4.0, những thách thức về sự biến mất của quảng cáo, sự cạnh tranh của Google, Facebook[1]…đã đặt ra những bài toán đầy thách thức về tìm kiếm lối đi cho hoạt động kinh tế báo chí trong tương lai [3].

Tại Việt Nam, mới đây (2/2019), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bổ sung nội dung “kinh doanh sản phẩm báo chí” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới, trong Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh Nghiệp [1]. Mặc dù, Luật báo chí 2016 cũng chưa đề cập đến nội dung này và nội dung dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh Nghiệp đang dừng lại ở bước lấy ý kiến và còn nhiều ý kiến tranh luận nhưng việc đề xuất một nội dung liên quan đến kinh tế báo chí được coi là một dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quan tâm của cơ quan quản lý đối với mảng kinh tế truyền thông. Đặc biệt trong xu hướng “tự chủ báo chí”, vấn đề nguồn ngân sách cấp cho hoạt động báo chí có sự điều chỉnh, theo hướng hẹp dần, việc tìm kiếm nguồn thu, duy trì hoạt động, phát triển tòa soạn ngày càng quan trọng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên kỹ thuật số, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã chuyển đổi cung cấp thông tin trên nền tảng kỹ thuật số qua mạng internet. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc tính mới trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt của thị trường báo chí kỹ thuật số cũng như nhu cầu của công chúng dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao.

Như vậy, việc tìm hiểu, đề xuất mô hình kinh doanh các sản phẩm báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số tại Việt Nam là điều cần thiết trong bối cảnh nghiên cứu truyền thông hiện nay.

2. Những mô hình phát triển kinh doanh báo chí trên toàn cầu

2.1 Từ đối tượng tiêu dùng – con đường thu phí độc giả

Trước khi mức tăng trưởng doanh thu quảng cáo online chậm lại và thậm chí đi ngang trong những năm gần đây, không ít tờ báo ở Mỹ, châu Âu và châu Á đã triển khai và thành công với mô hình thu phí trên nền tảng digital.

Một số hướng thu phí triển khai: thu phí toàn bộ trên website hoặc ứng dụng mobile (hard paywall); thu phí một phần và phần còn lại miễn phí (freemium) hoặc cho phép nguời dùng đọc một số lượng bài nhất định, quá mức này thì phải trả tiền (metered paywall). Bức tường phí không gây trở ngại cho việc tiếp cận thông tin của công chúng, tin tức thời sự có thể miễn phí, nhưng để đọc các bài viết chuyên sâu, phân tích của chuyên gia hay các phóng sự kỳ công thì phải trả phí.

Những mô hình thành công có thể kể đến như Aftonbladet (Thụy Điển) – áp dụng mô hình “freemium” năm 2003 với mức thu 2 euro/tháng. Nay báo đã thu 6 euro/tháng với công chúng của mình (phiên bản premium là 10 euro/tháng cho những nội dung chất lượng cao). Aftonbladet có khoảng 260 nghìn độc giả trả tiền cho phiên bản digital, tạo ra nguồn thu đáng kể cho báo [2].

Mô hình Folha de São Paulo (Brazil) – áp dụng mô hình “metered paywall” năm 2012. Công chúng được đọc 20 bài miễn phí mỗi tháng. Sau ba tháng, số lượng đăng ký trả phí để xem bản digital tăng nhanh chóng bên cạnh việc vẫn giữ được lượng người truy cập cho báo. Đến năm 2014, họ thu được 150.000 usd/tháng từ việc thu 12,8 usd/tháng của công chúng [2].

2.2 Từ sản phẩm báo chí – tăng khả năng cạnh tranh, hướng đến đa nền tảng

 * Hợp tác truyền thông nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm

Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Facebook và Google, các cơ quan báo chí đã thành lập các liên minh để tăng khả năng ảnh hưởng các sản phẩm truyền thông của mình đến công chúng hơn. Nhiều liên minh đã được lập ra trong thời gian qua như: tại Mỹ có Nucleus Marketing Solution (Giải pháp tiếp thị hạt nhân), Newspaper National Network (Mạng lưới báo chí quốc gia), Local Media Consortium (Liên doanh truyền thông địa phương); tại Anh có Pangaea Alliance (liên minh Pangaea) và Symmachia; tại Đức có liên minh Gravity, Skyline; Emetriq và Login; tại Brazil có Digital Premium và EU có Audience Square…

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng có liên minh KPEX ở New Zealand; Online Premium Publisher Association (Hiệp hội Nhà xuất bản Uy tín Trực tuyến) ở Thái Lan; Singapore Media Exchange (Sàn giao dịch Truyền thông Singapore) và Malaysia Premium Publisher Marketplace (Không gian thị trường Nhà xuất bản Uy tín Malaysia) [4].

* Liên minh báo chí với mạng xã hội

Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí cũng đều nhận ra, xu hướng lên ngôi của truyền thông xã hội trong đời sống con người. Do đó, thay vì coi mạng xã hội như kẻ thù ở thuở ban đầu, báo chí đã nhìn nhận mạng xã hội như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển, và ngày nay, báo chí còn coi mạng xã hội là “một phần không thể tách rời”[5].Từ đó, các cơ quan báo chí đưa ra nhiều giải pháp để triển khai sự hợp tác với các nền tảng mạng xã hội trong quá trình truyền thông: như xu hướng rất nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đang dựa vào Instant Aricles[2] của Facebook hay Discover của Snapchat để đưa sản phẩm báo chí đến công chúng (như Washington Post (Mỹ) đưa 100% số tin tức lên các nền tảng này), hay coi nền tảng mạng xã hội là kênh giúp các tòa soạn đẩy mạnh hoạt động marketing thương hiệu và sản phẩm(như New York Times hay Wall Street Journal)…

* Kinh doanh đa nền tảng

Với sự hội tụ của kỹ thuật số, sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của internet và sự ra đời của hàng loạt công nghệ truyền thông mới đã ảnh hưởng to lớn đến cách thức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trong thế kỷ 21, đồng thời nó đang tái định hình toàn bộ nguyên lý kinh tế của ngành công nghiệp truyền thông.

The Washington Post đã bắt tay với mạng xã hội Facebook để sản xuất tin bài trên nền tảng thứ ba. Notify – ứng dụng tập hợp tin tức, người dùng Facebook đăng ký theo dõi các trang mà họ quan tâm, sau đó nhận được các thông báo khi các trang tin này xuất bản tin bài mới. Cách làm này giúp cả bên cungc ấp và bên tiếp nhận tăng cơ hội gửi và nắm nguồn tin.

Ngoài ra, các tờ báo lớn trên thế giới hiện nay đều đầu tư ứng dụng đọc báo trên thiết bị di dộng (app) và có một đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên chuyên sản xuất tin bài trên nền tảng di động, như CNN App, AP mobile, Apple News…Nhiều tòa soạn có đội ngũ viết riêng phần nội dung cho nền tảng di động.

Trong một số tường hợp, các cơ quan báo chí còn kết hợp đưa thông tin lên những nền tảng phi báo chí như màn hình công cộng tại quảng trường, phương tiện tàu điện ngầm, máy bay…

2.3 Từ góc nhìn tài chính – cắt giảm nguồn chi, tìm kiếm nguồn cung

Khai thác nguồn cộng tác viên chuyên nghiệp, đó là mô hình của tạp chí Forbes, phiên bản điện tử tại địa chỉ Forbes.com. Forbes có hơn 1.000 cộng tác viên, là những chuyên gia, doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà sáng chế… Họ có tài khoản riêng trên Forbes, họ viết và tự đăng bài. Những cộng tác viên này ở khắp mọi nơi trên thế giới, họ viết về những thứ họ giỏi nhất, về nhiều mảng như kinh doanh, sáng kiến, đổi mới, lối sống cao cấp, công nghệ, ý tưởng…

 Những cộng tác viên đa phần không được trả tiền (Chỉ có những người viết bài đạt tới 1 lượng hit hoặc share nhất định nào đó mới được chi trả một lượng thù lao nhất định) và cũng không cần thù lao, vì nhờ Forbes.com, họ được nhiều người biết đến, dễ bán được sách, được mời phát biểu, hay xây dựng thương hiệu bản thân.

Những cộng tác viên này không cạnh tranh với nhà báo nhưng lại tạo ra những giá trị rất lớn đối với quá trình thông tin trong bối cảnh kỹ thuật số hiện nay. Với những tác phẩm do những cộng tác viên này thực hiện, Forbes.com đã mở ra một diễn đàn mà các ý tưởng tốt được trao đổi, chia sẻ. Để quản lý đội ngũ cộng tác viên, Forbes.com dựa trên nền tảng của hệ thống công nghệ, đảm bảo tính chuẩn mực và minh bạch, liêm chính của một mô hình báo chí chuyên nghiệp.

3. Đề xuất mô hình kinh doanh các sản phẩm báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Từ gợi ý của các mô hình kinh doanh báo chí trên toàn cầu, vận dụng nền tảng mô hình kinh doanh BMC[3], tác giả đề xuất mô hình kinh doanh các sản phẩm báo chí trong kỷ nguyên số tại Việt Nam, cụ thể tại mô hình 3.1:

Mô hình 3.1: Mô hình kinh doanh các sản phẩm báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số

* Phân khúc khách hàng (CS): nhóm phân khúc khách hàng bao gồm các nhóm chính:

– Nhóm khách hàng tiềm năng tạo ra giá trị cho thương hiệu

– Nhóm khách hàng đại chúng, gắn với tôn chỉ mục đích hãng thông tấn và góp phần xây dựng thương hiệu, giá trị cho các dịch vụ quảng cáo CPM[4], CPC[5], CPD[6]

– Nhóm khách hàng mục tiêu hướng đến của cơ quan báo chí

– Nhóm khách hàng có nhu cầu mua tin, tiêu dùng tin

– Nhóm khách hàng cần thông tin tư vấn

Từ các nhóm khách hàng trên, các cơ quan báo chí có thể phân bậc phân khúc khách hàng để đưa ra mức độ tiêu dùng: nhóm khách hàng miễn phí; nhóm khách hàng có phí và nhóm khách hàng cao cấp.

* Mục tiêu giá trị (VP): Hai mục tiêu giá trị chính là: Từ góc nhìn sản phẩm, mục tiêu giá trị của sản phẩm mà các cơ quan báo chí hướng tới là chất lượng thông tin tốt (thỏa mãn theo phân khúc nhóm khách hàng: miễn phí, có phí, cao cấp), hướng tới giá trị đầu tư chi phí sản xuất thông tin đầu vào thấp và tạo ra thực đơn thông tin đa dạng; Từ góc nhìn tài chính, mục tiêu giá trị tài chính hướng đến là: chia nhỏ giá trị hàng hóa thông tin, hướng chất lượng theo giá trị để khách hàng có đa dạng lựa chọn các sản phẩm với nguồn lực của mình.

* Cách kênh truyền thông và phân phối (CH): Tòa soạn báo chí sử dụng tích hợp đa kênh, đa nền tảng trong bối cảnh kỹ thuật số. Xây dựng cơ chế định giá kênh một cách năng động (miễn phí, có phí, cao cấp); đa dạng các loại hình kênh và phương thức đem lại giá trị quảng cáo của kênh.

* Quan hệ khách hàng (CR): Mối quan hệ cam kết với khách hàng về chất lượng và hợp tác bền vững. Đây là mục tiêu quan trọng trong bối cảnh kỷ nguyên số, khách hàng có nhiều lựa chọn đơn vị cung cấp hàng hóa thông tin.

* Dòng doanh thu (R$): Dòng doanh thu lợi nhuận trong bối cảnh kinh doanh các sản phẩm kỹ thuật số đến từ các hoạt động bán hàng hóa; bản quyền sản phẩm hàng hóa thông tin; thu phí; thương hiệu; các hợp đồng kinh tế; hợp đồng quảng cáo.

* Nguồn lực chính (KR): Các cơ quan báo cần khai thác bốn nguồn lực chính: thương hiệu; đội ngũ nhân lực chất lượng cao; hệ thống cơ quan thường trú và sự đầu tư về tài chính, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật.

* Hoạt động chính (KA): ba mảng hoạt động chính thúc đẩy kinh doanh sản phẩm kỹ thuật số cần chú trọng là: phát triển đa phương tiện; xây dựng bức tường phí và cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh doanh hàng hóa thông tin; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho các nền tảng kỹ thuật số.

* Đối tác chính (KP): ba đối tác chính hướng tới đó là: nhóm đối tác cung cấp các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh doanh kỹ thuật số cho TTXVN (đối tác bán nền tảng ứng dụng hỗ trợ sản xuất hàng hóa thông tin hiện đại); nhóm đối tác thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa (doanh nghiệp tiềm năng, hợp tác chia sẻ lợi nhuận) và nhóm  đối tác khác (cộng tác viên, thành viên).

* Cơ cấu chi phí (C$): Cơ cấu chi phí  đầu tư thúc đẩy kinh doanh sản phẩm báo chí kỹ thuật số là: Chi phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, công nghệ; chi phí công tác số hóa; chi phí mua ứng dụng hiện dại; chi phí con người và chi phí cho các cơ chế khen thưởng, kinh doanh đặc thù.

3.1 Mô hình định hướng bởi khách hàng

Mô hình 3.2: Mô hình kinh doanh sản phẩm báo chí định hướng bởi khách hàng

Cơ sở mô hình kinh doanh các sản phẩm báo chí định hướng bởi khách hàng là đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp xúc với sản phẩm và gia tăng sự thuận tiện. Việc gia tăng thuận tiện này tạo ra những giá trị lợi nhuận về kinh doanh trong tương lai. Cụ thể:

* Phân khúc khách hàng (CS): Từ góc nhìn khách hàng, các cơ quan báo chí có thể phân chia nhóm đối tượng khách hàng thành các nhóm nhỏ, để có những giải pháp phục vụ hợp lý:

Nhóm khách hàng tiềm năng: nhóm tạo ra giá trị lợi nhuận kinh doanh các sản phẩm báo chí kỹ thuật số trong tương lai.

Nhóm khách hàng đại chúng: gắn với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan báo chí. Nhóm khách hàng này là cơ sở quan trọng cho một số hình thức kinh doanh thông qua các tiêu chí về số lượng, thời gian tiếp cận.

Nhóm khách hàng mục tiêu: Nhóm khách hàng có những đặc điểm cần phục vụ riêng biệt. Đây là nhóm có tiềm năng tạo ra những giá trị lợi nhuận bền vững trong bối cảnh cạnh tranh của môi trường kỹ thuật số.

Ngoài ra còn nhóm khách hàng tiêu dùng tin nguồn và nhóm khách hàng cần thông tin tư vấn cũng cần được quan tâm, vì đây là nhóm khách hàng tiềm năng cho những hợp đồng kinh tế lâu dài về thông tin.

* Hoạt động chính (KA): Để đáp ứng nhóm khách hàng trên, các cơ quan báo chí cần tập trung vào bốn mảng hoạt động chính:

Đẩy mạnh phát triển xu hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng. Tạo ra các sản phẩm hiện đại trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh của kỹ thuật số. Cung cấp cho người dùng mọi lúc, mọi nơi.

Xây dựng, áp dụng lộ trình bức tường phí, tìm kiếm nguồn thu từ các nhóm khách hàng mục tiêu của đơn vị.

Có những cơ chế chính sách đặc thù về hàng hóa thông tin, đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai và thúc đẩy mảng kinh doanh các sản phẩm thông tin kỹ thuật số.

Các hoạt động tập trung đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chât, cơ sở hạ tầng để áp dụng, triển khai các hoạt động của nền tảng kỹ thuật số.

* Nguồn lực khai thác chính (KR): Để triển khai các hoạt động chính, các cơ quan báo chí cần dựa trên bốn nguồn lực quan trọng:

Khai thác, phát huy nguồn đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Đây là nguồn nhân lực quan trọng tạo ra những sản phẩm đa dạng, đáp ứng những nhóm khách hàng đa dạng mà mô hình kinh doanh này hướng tới.

Khai thác và phát huy hơn nữa lợi thế nguồn tin từ hệ thống các cơ quan thường trú, đây là nguồn cung cấp thông tin nhanh, đa dạng, chất lượng cao, góp phần tạo ra những sản phẩm hàng hóa vừa tốt về chất lượng và phong phú về sản phẩm.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước cho hoạt động, góp phần giảm bớt áp lực kinh tế, tập trung phát huy sức mạnh.

Đẩy mạnh, khẳng định hơn nữa thương hiệu tòa soạn trong bối cảnh phát triển thông tin đa dạng hiện nay.

* Cơ cấu chi phí (C$) cần cho định hướng này là chi phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ các yêu cầu trong bối cảnh số hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Bên cạnh đó là nguồn chi phí cho các cơ chế khen thưởng đặc thù, phục vụ thúc đẩy hoạt động kinh doanh sản phẩm kỹ thuật số.

* Dòng doanh thu (R$): Lợi nhuận mà mô hình kinh doanh theo định hướng khách hàng đem lại đó là những giá trị về thu phí khách hàng tiêu dùng hàng hóa thông tin; giá trị lợi nhuận từ thương hiệu, các hợp đồng từ bán hàng hóa thông tin và bản quyền sản phẩm thông tin.

3.2 Mô hình định hướng bởi tài chính

Mô hình 3.3: Mô hình kinh doanh sản phẩm báo chí định hướng bởi tài chính

Cơ sở mô hình kinh doanh sản phẩm báo chí định hướng bởi tài chính là mô hình hướng tới những cải tiến định hướng bởi các dòng doanh thu, cơ chế định giá hay cơ cấu cắt giảm chi phí có ảnh hưởng tới các thành tố còn lại trong mô hình kinh doanh.

* Dòng doanh thu (R$): Đối với mô hình kinh doanh định hướng bởi tài chính, dòng doanh thu tòa soạn sẽ đến từ các hợp đồng kinh tế và các hợp đồng quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số.

Hợp đồng kinh tế tạo ra giá trị tài chính hướng tới là những hợp đồng với các doanh nghiệp tiềm năng, hợp tác cả hai bên cùng có lợi.

Hợp đồng quảng cáo liên quan đến các nền tảng kỹ thuật số như: quảng cáo nhúng, quảng cáo trên nền tảng đa kênh…

* Đối tác chính (KP): Từ góc nhìn tài chính, nhóm đối tác chính trong mô hình kinh doanh này những doanh nghiệp tiềm năng, cùng có nhu cầu kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số. Mối quan hệ hợp tác với các đối tác chính này là mối quan hệ hợp tác chia sẻ lợi nhuận, hai bên cùng có lợi.

Ngoài ra, đối tác chính trong mô hình này còn có thể là các cộng tác viên, thành viên có mối quan hệ với hoạt động tòa soạn, nhằm tạo ra các hàng hóa thông tin. Đây là những nhân tố có thể trở thành nguồn lực thúc đẩy tiết kiệm nguồn tài chính cho hoạt động tòa soạn.

* Mục tiêu giá trị (VP): Mục tiêu giá trị sản phẩm hướng đến trong mô hình kinh doanh định hướng tài chính là: chia nhỏ giá thành các sản phẩm bán, để công chúng có nhiều lựa chọn với các sản phẩm. Giá thành các sản phẩm có thể định giá từ 0 đồng. Việc nâng giá trị các sản phẩm đi kèm với việc nâng cao chất lượng hàng hóa thông tin. Hướng tới tạo cho khách hàng một bữa tiệc hàng hóa thông tin với đa dạng các lựa chọn khác nhau. Điều này tạo nên thế mạnh cho hoạt động kinh doanh các sản phẩm trong bối cảnh cạnh tranh của thị trường kỹ thuật số.

* Các kênh truyền thông (CH): Các kênh truyền thông hướng tới trong mô hình cần có một cơ chế định giá năng động, phù hợp với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, yếu tố phát triển đa phương tiện, đa nền tảng luôn được lưu tâm nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho khách hàng. Các kênh truyền thông cũng cần nwhxng cơ chế đa dạng các loại hình quảng cáo nhằm khai thác tối ưu các nguồn quảng cáo từ nền tảng kỹ thuật số.

* Cơ cấu chi phí (C$): Với định hướng bởi tài chính, nguồn chi phí đầu tư cho mô hình này tập trung và chi phí công tác đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc phát triển số hóa, quản trị số hóa và xây dựng nội dung nhờ công nghệ số.

3.3 Mô hình định hướng bởi sản phẩm

Mô hình 3.4: Mô hình kinh doanh sản phẩm báo chí định hướng bởi sản phẩm

Mô hình kinh doanh sản phẩm báo chí định hướng bởi sản phẩm là những cải tiến định hướng bởi sản phẩm chào bán, tạo ra những giải pháp giá trị mới, những giải pháp giá trị này ảnh hưởng tới các thành tố khác trong mô hình kinh doanh.

* Mục tiêu giá trị (VP): Mục tiêu giá trị sản phẩm hàng hóa thông tin hướng tới là giá trị chất lượng tốt, đầu tư nguồn chi phí thấp và đa dạng hóa sản phẩm lựa chọn.

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ, những sản phẩm hàng hóa thông tin thông thường có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc. Công chúng trong bữa tiệc thông tin trên internet luôn có nhu cầu về những giá trị thông tin chất lượng cao – điều mà chỉ con người mới có thể tạo ra. Bên cạnh đó, các tòa soạn cũng cần tính toán đến các giải pháp đầu tư hợp lý để vừa tạo ra nguồn sản phẩm hàng hóa thông tin chất lượng cao nhưng chỉ tốn nguồn chi phí đầu tư thấp. Hướng đi này phần nào sẽ tạo ra nguồn sản phẩm nhiều, phong phú, chất lượng cao phục vụ khách hàng.

* Đối tác chính (KP): Đối với mô hình định hướng bởi sản phẩm, có hai nhóm đối tác chính hướng tới: một là nhó đối tác cung cấp các sản phẩm sản xuất hàng hóa hiện đại – thúc đẩy sản xuất các sản phẩm hàng hóa thông tin chất lượng; hai là nhóm đối tác tiêu dùng các sản phẩm đặc thù này – có nguồn lực và sẵn sàng chi phí tài chính để có được những sản phẩm hàng hóa trên.

* Dòng doanh thu (R$): Dòng doanh thu chính của mô hình định hướng này đến từ hoạt động bán hàng hóa thông tin; bán bản quyền hàng hóa; thu phí nhóm đối tượng công chúng đặc thù và các nguồn doanh thu đến từ thương hiệu đơn vị.

* Cơ cấu chi phí (C$): Để xây dựng mô hình định hướng bởi sản phẩm, các tòa soạn cần đầu tư nguồn chi phi cho cơ sở hạ tầng; chi phí mua sản phẩm của các đối tác và chi phí con người.

4. Kết luận

Dựa trên việc khảo cứu nhiều nguồn tài liệu về các mô hình kinh doanh các sản phẩm báo chí trên toàn cầu, vận dụng nền tảng mô hình kinh doanh BMC, tác giả đã bước đầu đề xuất mô hình kinh doanh các sản phẩm báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số tại Việt Nam. Mô hình kinh doanh này được bồi đắp từ ba yếu tố: định hướng bởi khách hàng, định hướng bởi tài chính và định hướng bởi sản phẩm. Từ mô hình, tác giả bước đầu luận giải những thành tố, mối quan hệ các thành tố, hi vọng đưa ra một số những gợi mở cho quá kinh doanh các sản phẩm báo chí trong tương lai. Với dung lượng của một tham luận khoa học, hi vọng, những gợi mở về mô hình kinh doanh của tác giả sẽ mở ra những hướng nghiên cứu chi tiết hơn về kinh tế báo chí trong tương lai.

5. Tài liệu tham khảo

1. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2019, chi tiết tại link: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1623&LanID=1648&TabIndex=1

2. Vĩnh Khang, “Thu phí từ độc giả là con đường phát triển bền vững của báo chí”, báo điện tử Vietnamplis: http://special.vietnamplus.vn/subscription

3. Vietnam+, “Nếu không còn quảng cáo, báo chí sẽ tồn tại bằng cách nào?”, báo điện tử Vietnamplus: http://special.vietnamplus.vn/advertising

4. Vietnam+, “Cuộc đấu sinh tử giữa các nhà xuất bản tin tức và Facebook, Google”, báo điện tử Vietnamplus: https://www.vietnamplus.vn/cuoc-dau-sinh-tu-giua-cac-nha-xuat-ban-tin-tuc-va-facebook-google/506705.vnp

5. Vietnam+, “Chiến lược nào cho báo chí  khi truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ”, báo điện tử Vietnamplus: http://special.vietnamplus.vn/baochi_mangxahoi


[1] Báo cáo của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters năm 2017 công bố, Google và Facebook chiếm tới 99% mức tăng trưởng doanh thu quảng cáo kỹ thuật số tại Mỹ.

[2] Tính năng này được Facebook thử nghiệm từ tháng 5/2015. Theo đó, tính năng cho phép hiển thị tin tức, hình ành, video một cách trực tiếp và theo thời gian thực ngay trên giao diện của Facebook. Người dùng có thể đọc đầy đủ nội dung các bài báo ngay trên News Feed của mình mà không cần mở trình duyệt mới. Đổi lại, các tờ báo sẽ được giữ 100% tiền bán quảng cáo cạnh bài viết trên Facebook hoặc thu về 70% doanh thu nếu để Facebook bán quảng cáo. Năm 2015, khi triển khai nội dung này, Facebook đã hợp tác với hơn 20 cơ quan báo chí của Mỹ, Anh, Đức, Ấn Độ như The New York Times, National Geographic, BuzzFeed, NBC, The Atlantic, The Guardia, BCC News, Spiegel và Bild…

[3] BMC – Business Model Canvas: là mô hình kinh doanh do Alexander Oster Walder và Yves Pigneur sáng tạo ra. Mô hình được nhiều công ty lớn hàng đầu thế giới nghiên cứu và áp dụng như Google, Facebook, Nestle’. Mô  hình có 9 thành tố chính để trực quan hóa ý tưởng kinh doanh hay chiến lược của doanh nghiệp: phân khúc khành hàng, mục tiêu giá trị, các kênh truyền thông và phân phối, quan hệ khách hàng, dòng doanh thu, nguồn lực chính, hoạt động chính, đối tác chính, cơ cấu chi phí.

[4] CPM – Cost Per Mill/Cost Per Thousand Impression: chi phí quảng cáo cho một nghìn lần hiển thị

[5] CPC – Cost Per Click: hình thức quảng cáo tính tiền theo lượt click

[6] CPD – Cost Per Duration: hình thức quảng cáo tính tiền theo thời gian

Bình luận về bài viết này