Tường phí và vấn đề thu phí người dùng trên báo điện tử Việt Nam

Nguyễn Đình Hậu

Tường phí trên báo điện tử là xu hướng đã và đang được áp dụng phổ biến tại các cơ quan báo chí trên thế giới. Tại Việt Nam, việc triển khai, áp dụng, tính về mặt thời gian cũng đã được hơn 5 năm, nhưng kết quả dường như chưa có nhiều tín hiệu khả quan như bức tranh trên thế giới. Để tìm câu trả lời cho vấn đề trên, nghiên cứu này, sẽ đi sâu vào phân tích, đánh giá những sản phẩm thu phí tại ba cơ quan báo điện tử áp dụng tường phí đầu tiên tại Việt Nam là báo điện tử VietnamPlus, báo điện tử VietNamNet và tạp chí điện tử Ngày Nay, từ đó đưa ra một số nhận định về việc phát triển hướng đi này trong tương lai.

1. Đặt vấn đề

Tường phí là từ khóa không còn xa lạ với các nhà nghiên cứu báo chí truyền thông hiện nay. Tường phí có thể hiểu là mô hình đăng ký giới hạn quyền truy cập của công chúng đối với tất cả hoặc đối với một phần nội dung báo chí trên môi trường kỹ thuật số. Ở phương Tây, mô hình cho công chúng đọc một số tác phẩm báo chí miễn phí trước khi thu phí (khoảng 10 tác phẩm) là một mô hình khá phổ biến và thường xuyên được sử dụng (Merja, 2014).

Nhìn vào lịch sử, tường phí bắt đầu nổi lên và được quan tâm khi mô hình kinh doanh dựa trên báo in của các tờ báo phương Tây lâm vào khủng hoảng. Theo nhà nghiên cứu Robert, ở phương Tây, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Anh, báo chí phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc sụt giảm sự tiêu thụ, sự cắt giảm chi phí và sự hợp nhất (Robert, 2010, tr.17). Tại Úc, ngành xuất bản cũng phải đối diện với những thách thức tương tự như giảm số lượng nhà báo, khán giả phân tán và mất doanh thu quảng cáo (Sally, 2010, tr.611).

Internet và các công nghệ mới đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến báo chí, các nhà báo và quá trình sản xuất tin tức. Các đối thủ cạnh tranh đến từ Internet như Google, Facebook đã lấy mất một lượng lớn nguồn thu quảng cáo của các nhà xuất bản. Để cạnh tranh, các cơ quan báo chí đã và đang thu thập thông tin công chúng. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng để các cơ quan báo chí đề xuất các giải pháp cho quá trình xây dựng mô hình tường phí (Federica và cộng sự, 2016, tr.9). Tại Hoa Kỳ, các cơ quan báo chí dự đoán, 28% nguồn thu trong tương lai của họ sẽ đến từ các bức tường phí và 29% đến từ quảng cáo (Michael, 2015). Thực tế, bằng chứng này càng được chứng minh thông qua những kết quả công bố của nhiều nhà xuất bản lớn như New York Times[1], Financial, v.v (Lê Quốc Minh, 2022).

Về mô hình thu phí, trên thế giới, mô hình được nhiều tòa soạn nhắc đến và áp dụng là Freemium. Đây là mô hình kết hợp của hai từ khóa Free (miễn phí) và Premium (cao cấp). Freemium là thuật ngữ mô tả mô hình kinh doanh mà người dùng có thể sử dụng miễn phí sản phẩm hoặc chức năng, song họ phải chi thêm tiền để sở hữu các giá trị bổ sung khác. Mô hình này được áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến[2], thị trường app trên di động[3]. Với báo chí, mô hình Freemium cho người đọc truy cập miễn phí vào các nội dung, nhưng sẽ tính phí cho các nội dung mà đơn vị đó cho rằng là cao cấp hơn. Mô hình này được nhiều cơ quan báo chí ở phương Tây, Mỹ, Úc, Đức, Brazil, Nhật bản, v.v. áp dụng.

Tuy nhiên, sự thu hút và thu phí công chúng cũng đặt ra những áp lực đối với báo chí. Trong một nghiên cứu về tờ báo Taloussanomat (Phần Lan) cho rằng, các nhà báo cảm thấy bị áp lực khi phải cung cấp những câu chuyện để thu hút khán giả và áp lực về số lượng nhấp chuột vào bài báo (Neil và cộng sự, 2009, tr.699). Hiện nay, mặc dù việc thu thập thông tin công chúng của các cơ quan báo chí đã được tăng cường, nhưng việc kiếm tiền từ các sản phẩm báo chí vẫn còn nhiều áp lực khi môi trường, mô hình liên tục vận động, thay đổi.

Nhìn từ góc độ kinh tế học, nhiều nhà nghiên cứu đều thừa nhận sản phẩm tin tức của báo chí là một loại hàng hóa đặc biệt. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi môi trường kỹ thuật số ngày càng phát triển, bản thân các cơ quan báo chí ngày càng hướng và coi trọng tin tức kỹ thuật số như một loại hàng hóa được sản xuất và bán để thu lợi nhuận. Như nhận định của Kauppalehti, trưởng phòng nội dung (nhật báo kinh doanh Phần Lan):“Chúng tôi xem nội dung trang web của chúng tôi như một cửa hàng trực tuyến. Tất cả các sản phẩm phải đảm bảo sao cho khách truy cập và trang web muốn thêm chúng vào giỏ hàng của mình. Mọi bài báo đều có giá trị khiến mọi người muốn mua lại nhiều lần, hết tin này đến tin khác” (Kirsi, 2015)

Tại Việt Nam, bên cạnh thực tiễn đang có những đơn vị báo chí áp dụng, thì vấn đề tường phí cũng đã và đang được đề cập trong các văn bản chính sách, thể hiện những quyết tâm, chiến lược thay đổi và phát triển báo chí Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Cụ thể, Dự thảo Chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng 2030 được Văn phòng Chính phủ công khai lấy ý kiến đầu năm 2022 đến nay, đã đề cập “Đến năm 2025, 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân” (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2022).

2. Tổng quan một số nghiên cứu về tường phí

Trên thế giới, các công bố nghiên cứu về tường phí báo chí khá phong phú, theo tác giả, có thể nhóm thành ba nhóm chính: 1) Nghiên cứu về mức độ sẵn sàng chi trả tường phí của công chúng (như các nghiên cứu của Iris năm 2005, 2012; Robert năm 2014, v.v.); 2) Nghiên cứu về mô hình tường phí (Có thể kể đến như Victor và cộng sự năm 2013, Merja năm 2014, Andre năm 2015, v.v.); 3) Nghiên cứu nội dung tường phí (như các nghiên cứu của Barbara và cộng sự năm 2014, Nina năm 2014; Helle năm 2015,v.v.).

Trong nghiên cứu của mình, Helle (2015) đã so sánh nội dung có thu phí trên ba tờ báo của Na Uy là Aftenposten, Bergens Tidende và Stavanger Aftenblad trước và sau khi triển khai bức tường thu phí. Nghiên cứu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi nội dung nào được tính phí, loại nội dung nào vẫn được miễn phí? Kết quả, cô ấy cho rằng, nội dung được trả tiền nhiều nhất trong số các bài báo thu phí và các sản phẩm liên quan đến các vấn đề chính trị, các vấn đề xã hội, kinh tế và văn hóa (Helle, 2015, tr.14).

Tương tự, nghiên cứu của Nina đã kiểm tra nội dung trả tiền của fevennen.com (phiên bản điện tử của tờ báo Fædrelandsvennen, một tờ báo địa phương của Na Uy) trước và sau khi các tờ báo này giới thiệu đăng ký kỹ thuật số, tìm hiểu những giá trị tin tức nào đằng sau các bức tường phí và chúng liên quan như thế nào đến các chiến lược kinh doanh của bức tường phí. Nghiên cứu của cô ấy cũng cho rằng, các vấn đề tài chính là nội dung có giá trị nhất vì 82% nội dung của mảng này bị khóa sau bức tường phí (Nina, 2014).

Nghiên cứu của Alfonso và cộng sự kiểm tra nội dung của trang chủ tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal), họ nhận thấy rằng vào năm 2010, 74% nội dung trên trang chủ WSJ.com là miễn phí (Alfonso và cộng sự, 2014, tr.155). Đến 2012, chín phần trên trang chủ WSJ.com có hầu hết nội dung bị ẩn sau bức tường phí bao gồm các mục tin tức gì, tin tức thế giới, tin tức Anh, kinh doanh, quan điểm và sức khỏe. Các chủ đề chủ yếu miễn phí là lối sống, nghệ thuật và văn hóa, thể thao, chính trị chung, kinh tế và thị trường.

Nghiên cứu khác của Barbara và cộng sự về mục kinh doanh của welt.de (trang trực tuyến của tờ báo Die Welt – Đức). Nghiên cứu so sánh nội dung được xuất bản trong phần Kinh doanh và Tài chính. Kết quả cho thấy, nội dung bị khóa ít cung cấp các giá trị gia tăng cho người đọc vì nhiều nội dung đã xuất bản có thể truy cập miễn phí ở những nơi khác. Khoảng một nửa số bài báo được xuất bản trên welt.de được lấy từ một chuỗi tin tức (Barbara, 2014).

Tại Việt Nam, từ khóa tường phí được những người làm báo chí, truyền thông nhắc tới nhiều, tuy nhiên, việc đề cập đa phần dừng lại ở mức độ chung (như công bố của Nguyễn Thị Trường Giang, 2020; Điệp Lưu, 2020), chưa có những nghiên cứu cụ thể như thế giới đã thực hiện.

3. Mẫu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

Tại Việt Nam, có ba cơ quan báo chí điện tử đầu tiên dựng bức tường phí là báo điện tử Vietnamplus (năm 2018), tạp chí điện tử Ngày Nay (năm 2021) và báo điện tử VietNamNet (năm 2021). Mô hình tường phí các đơn vị này áp dụng là bên cạnh việc cung cấp thông tin miễn phí, báo mở ra chuyên trang dành riêng để thu phí người dùng. Trong chuyên trang thu phí, công chúng chỉ nhìn thấy được phần tiêu đề, một phần nội dung (thường là sapo của tác phẩm). Nếu muốn đọc toàn bộ nội dung, công chúng sẽ phải đăng ký và trả phí. Việc trả phí có thể theo tác phẩm hoặc theo các gói phí nhất định.

GóiVietNamNet PremiumThu phí của VietnamplusSpecial Today
Từng sản phẩm/2.000; 5.000; 10.0005.000
1 ngày/2.000/
1 tuần/10.00010.000
1 tháng/30.00025.000
3 tháng/50.00060.000
6 tháng1.000.000 (khuyến mại 599.000)100.000100.000
1 năm2.000.000 (khuyến mại 999.000)200.000180.000

Bảng 1: Bảng thu phí của Vietnamplus, VietNamNet Premium, Special Today (vnđ)

Tên gọiThông tin về quyền lợiTên chuyên mụcChuyên mục con
VietNamNet PremiumHiển thị rõ về quyền lợi: – Đọc không giới hạn nội dung chuyên sâu – Không bị gián đoạn quảng cáo – Nhận email riêng thông báo những bài viết được xuất bản trên trang VietNamNet Premium – Trở thành cộng đồng thành viên của cộng đồng VietNamNetVietNamNet PremiumChứng khoán Bản tin sáng
Special Today/Special Today/
Thu phí của Vietnamplus/Pay.VietnamplusChính trị-xã hội Kinh tế – công nghệ Văn hóa – thể thao Thế giới

Bảng 2: Bảng hiển thị thông tin về quyền lợi và các chuyên mục của ba cơ quan

Về phương pháp nghiên cứu, bài viết này sử dụng phương pháp thống kê định lượng, phân tích định tính nội dung và so sánh. Cụ thể:

Tổng số sản phẩm thu phí được thống kê dể phục vụ nghiên cứu là 193, trong đó 73 cho các sản phẩm thu phí của VietnamPlus, 60 sản phẩm thu phí trong chuyên trang VietNamNet Premium và 60 sản phẩm thu phí của Special Today của Tạp chí điện tử Ngày Nay (Số lượng các sản phẩm thu phí trong các chuyên mục trong chuyên trang có sự khác nhau, do thực tiễn sản xuất hiện nay có sự khác nhau giữa các chuyên mục). Các sản phẩm được lựa chọn từ ngày 20/06/2022 trở về trước cho đến khi chạm đủ mẫu nghiên cứu (do tần suất xuất bản sản phẩm ở các báo là khác nhau).

Tác giả mã hóa nội dung các sản phẩm theo hai nhóm chính là nhóm sản phẩm thông tấn và nhóm sản phẩm chính luận. 1) Nhóm sản phẩm thông tấn là sản phẩm thường ngắn gọn, nhanh, thông tin của nhóm này chủ yếu là thông tin mang tính chất thưởng thức hàng ngày, hàm lượng thông tin cao, ít các yếu tố đánh  giá, bình luận của tác giả. Cơ sở đánh giá chất lượng của nhóm này là có thông tin gì mới được mang lại. 2) Nhóm sản phẩm chính luận là các sản phẩm có nhiều thông tin lý lẽ, yếu tố nhanh không phải là yếu tố quan trọng nhất, hàm lượng thông tin không cần cao nhưng sâu, có xuất hiện cái tôi chính kiến của tác giả. Cơ sở để đánh giá chất lượng của sản phẩm này là có lý lẽ nào được được đưa ra, được phân tích.

Tác giả cũng tiến hành thêm thao tác so sánh từ khóa. Theo đó, tác giả dùng công cụ tra cứu của Google, thông qua từ khóa, tìm kiếm các sản phẩm miễn phí tương tự và so sánh nội dung giữa các sản phẩm thu phí và miễn phí.

4. Một số kết quả và thảo luận

4.1 Về số lượng, tần suất các sản phẩm thu phí

 Theo bảng 1, các gói thu phí theo dạng 6 tháng, 1 năm được cả ba tòa soạn điện tử áp dụng, tuy nhiên, số lượng, tần suất xuất hiện các sản phẩm thu phí lại có sự khác nhau. Báo điện tử VietnamPlus tuyên bố xuất bản 5-10 sản phẩm/ngày, nhưng đến thời điểm khảo sát, mức độ sản xuất các nội dung thu phí chỉ khoảng 1,5 sản phẩm/ngày. Chuyên trang thu phí của tòa soạn có 4 chuyên mục, nhưng chuyên mục xuất bản nhiều nhất là Thế giới, trung bình gần 1 sản phẩm/ngày. Chuyên mục Kinh tế – Công nghệ khoảng 2 ngày có 1 sản phẩm. Các chuyên mục còn lại vài tháng mới xuất bản một sản phẩm. Các sản phẩm xuất bản này đa phần có nội dung từ quốc tế.

Chuyên trang Special Today của Tạp chí điện tử Ngày Nay cũng tương tự. Tần suất xuất bản các sản phẩm thu phí của tạp chí cũng không ổn định. Thống kê từ 1/2021 đến 20/6/2022, trên chuyên trang Special Today, Quý xuất bản nhiều sản phẩm tính phí nhất là Quý III năm 2021 với 75 sản phẩm (làm tròn, trung bình 1 ngày một sản phẩm), các Quý còn lại số lượng sản phẩm khá thấp. Ví dụ Quý I năm 2021 chỉ có 5 sản phẩm (trung bình 1 tháng chưa được 2 sản phẩm), quý II năm 2022 chỉ có 6 sản phẩm (trung bình 1 tháng 2 sản phẩm). Có nhiều tháng chuyên trang không có sản phẩm thu phí nào, ví dụ tháng 11,12 năm 2021, tháng 1, 3 năm 2022.

Biểu đồ 1: Số lượng các sản phẩm thu phí trên Special Today theo quý

Là đơn vị tham gia vào bức tường phí muộn hơn hai đơn vị trên, chuyên trang VietNamNet Premium có tần suất xuất bản ổn định hơn. Trung bình VietNamNet Premium đăng khoảng 3 sản phẩm/ngày. Nội dung xuất bản thu phí định kỳ hàng ngày là Bản tin sáng. Thời gian xuất bản thường xuất hiện trước 6 giờ sáng.

Như vậy, mặc dù triển khai các gói thu phí dài hạn theo quý, theo năm, nhưng tần suất xuất bản các sản phẩm thu phí của một số tòa soạn điện tử của Việt Nam còn chưa ổn định, số lượng các sản phẩm thu phí còn thấp. Các tòa soạn cần tính toán phương án dài hơi và có những cam kết trong việc xuất bản định kỳ các nội dung thu phí đối với người dùng. Việc thu phí, đầu tư nội dung cho các sản phẩm thu phí là thách thức và đầy khó khăn đối với những đơn vị tiên phong, nhưng đã thực hiện thì các tòa soạn cũng cần tránh hệ quả đánh mất niềm tin về thương hiệu khi không đảm bảo được tần suất xuất bản ổn định cho các sản phẩm.

4.2 Về xây dựng chuyên mục thu phí

Chuyên trang thu phí của VietnamPlus đã xây dựng bốn chuyên mục chính là Chính trị – Xã hội, Kinh tế – Công nghệ, Văn hóa – Thể Thao và Thế giới. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, gần đây, chỉ có chuyên mục Thế giới còn xuất bản các sản phẩm thu phí (trung bình khoảng 1 sản phẩm/ngày), chuyên mục Kinh tế – Công nghệ khoảng 2 ngày một sản phẩm, còn các chuyên mục khác thì gần như đã dừng xuất bản. Ví dụ trên giao diện chính của chuyên mục Chính trị – Xã hội hiển thị những bài xuất bản gần đây nhất là từ ngày 28/8/2021, ngày 24/6/2021; giao diện chính chuyên mục Văn hóa – Thể thao cũng tương tự, là những sản phẩm xuất bản từ ngày 23/7/2021, ngày 3/6/2021.

Báo điện tử VietNamNet cũng có hai chuyên mục chính là Chứng khoán và Bản tin sáng. Chuyên mục Chứng khoán xuất hiện sản phẩm thu phí đầu tiên sau khoảng 1 tháng VietNamNet Premium tiến hành thu phí[4]. Ban đầu chuyên mục Chứng khoán được thực hiện theo dạng Bản tin tổng hợp, xuất bản định kỳ hàng ngày. Tuy nhiên, đến cuối 2021, sau khoảng hơn 3 tháng, chuyên mục Chứng khoán không còn xuất bản định kỳ[5]. Chuyên trang VietNamNet Premium chuyển nội dung chuyên mục Chứng khoán sang dạng sản phẩm đơn lẻ, bám theo dòng chảy tin tức. Đến nay, chuyên mục Chứng khoán không còn xuất bản sản phẩm thu phí nào nữa. Nối tiếp sau đó, VietNamNet Premium cho ra đời chuyên mục Bản tin sáng. Chuyên mục này được sản xuất theo dạng bản tin tổng hợp các tin tức chính trong ngày. Hiện nay, chuyên mục Bản tin sáng vẫn được sản xuất định kỳ và xuất bản trên chuyên trang vào thời điểm trước 6 giờ sáng.

Special Today của tạp chí điện tử Ngày Nay không có chuyên mục trong chuyên trang thu phí của mình.

Việc xây dựng các chuyên mục nhỏ trong chuyên trang thu phí là một hướng đi có thể mở ra những điểm nhấn về nội dung cho các sản phẩm thu phí, đồng thời khai thác được các hướng nội dung có thể là điểm mạnh của tòa soạn. Tuy nhiên, ở giai đoạn bước đầu tiến hành thu phí ở Việt Nam, các chuyên mục của VietnamPlus còn rộng, khó tạo điểm nhấn về nội dung. Chuyên mục của VietNamNet Premium có đi sâu vào mảng hẹp hơn, nhưng sản phẩm lại chưa đa dạng, nên chưa tạo được điểm nhấn cho các sản phẩm thu phí.

4.3 Về nội dung sản phẩm thu phí

– Nhóm thông tấn

VietNamNet Premium là đơn vị có tần suất sản xuất nhiều nhất hiện nay, nhưng tỉ trọng các sản phẩm thu phí trong nhóm thông tấn lại là đơn vị cao nhất trong ba đơn vị khảo sát. Trung bình một ngày VietNamNet Premium xuất bản 3 sản phẩm thu phí thì có 1 sản phẩm thuộc dạng bản tin (Chiếm tỉ trọng 33,3%). Năm 2022 là Bản tin sáng với tần suất 1 sản phẩm/ngày; năm 2021 là chuyên mục Chứng khoán với bản tin chứng khoán cũng với tần suất 1 sản phẩm/ngày.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm thu phí khác không ở hai chuyên mục Bản tin sáng và Chứng khoán của VietNamNet Premium cũng là những sản phẩm thuộc nhóm thông tấn. Ví dụ, theo thống kê từ ngày 11 đến ngày 20/6/2022, tỉ trọng sản phẩm thông tấn chiếm 66,6% (cao gấp đôi so với các sản phẩm thuộc nhóm chính luận).

Biểu đồ 2: Tỉ trọng dạng sản phẩm trên VietNamNet Premium từ ngày 11-20/6/2022

Special Today của tạp chí Ngày Nay và chuyên trang thu phí của VietnamPlus hiện nay gần như không xuất bản các sản phẩm thuộc nhóm thông tấn. Trước đây, khi còn duy trì sản xuất định kỳ các sản phẩm thu phí ở đều các chuyên mục nhỏ, chuyên trang thu phí của Vietnamplus cũng hay xuất bản các sản phẩm thuộc nhóm thông tấn. Ví dụ sản phẩm như các sản phẩm “Bão số 13 giật cấp 15, thủ tướng đề nghị người dân hạn chế ra đường khi bão đổ bộ”; “Khánh thành công trình cầu sông Hóa, nối bờ vui Hải phòng – Thái Bình”, “Hà Nội bắn pháo hoa tại 30 điểm đêm giao thừa tết Nguyên đán Canh Tý”…

Về mặt tin tức, các sản phẩm thuộc nhóm thông tấn cũng có những giá trị nhất định cho các sản phẩm thu phí, khi đó là những tin tức độc quyền, tin tức nóng hổi, tuy nhiên, theo tác giả, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, thói quen lướt tin tức của công chúng như hiện nay thì các sản phẩm thuộc nhóm thông tấn chiếm tỉ trọng cao trong các sản phẩm thu phí sẽ là hướng đi đầy thách thức đối với những sản phẩm thu phí trong lòng công chúng tiêu dùng. Các sản phẩm này cũng trái với những tuyên bố mà báo điện tử đề cập, khi họ công bố hình thức thu phí và dạng sản phẩm mà các tòa soạn hướng đến khi tính phí người dùng.

– Nhóm chính luận

Nội dung theo hướng chính luận là hướng đi được nhiều nhà nghiên cứu truyền thông nhắc đến cho các chiến lược phí người dùng. Các sản phẩm thuộc nhóm này với những điển hình cung cấp cho công chúng những góc nhìn sâu, thông qua các luận điểm, lý lẽ của người viết sẽ là những điểm nhấn, tạo ra dấu ấn cho người tiếp nhận, có khả năng thôi thúc sự trả phí trong người dùng.

Khi ra mắt chuyên trang thu phí, các sản phẩm VietnamPlus hướng đến đều là “bài phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền” (TTXVN, 2018), “bài dài, bài chất lượng cao” (Thủy Diệu, 2017); VietNamNet Premium là những sản phẩm “khác với những thông tin thời sự nóng hổi được cập nhật từng phút như lâu nay…sản phẩm thu phí tiếp cận theo chiều sâu cho mỗi thông tin, mỗi vấn đề nảy sinh trong xã hội” (VietNamNet, 2021); và Special Today là “bài viết có chất lượng cao, được đầu tư công phu bởi đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, các cây bút có tên tuổi trong và ngoài nước” (Ngày Nay, 2021). Tuy nhiên, kết quả khảo sát hiện nay, lại đưa ra những chỉ báo khác. Cụ thể, trên Special Today của tạo chí điện tử Ngày Nay, các sản phẩm đều nằm trong nhóm chính luận, nhưng tác giả thực hiện các sản phẩm lại chưa đa dạng. Các sản phẩm xuất bản trong vòng 1 năm trên Special Today (từ 21/7/2021-21/6/2022) chủ yếu là sản phẩm của ba tác giả là Huy Vũ (26,7%) , Nguyệt Linh (20%) và Việt Khôi (10%). Luận điểm này không có ý phủ nhận về giá trị của một tác giả trong sáng tạo các tác phẩm thu phí, tuy nhiên, việc đa dạng người sáng tạo các sản phẩm thu phí là hướng đi các tòa soạn đã tuyên bố và đây là hướng đi nền tảng tạo góp phần xây dựng hệ sinh thái các chuyên gia, những người góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững về nội dung cho hướng đi thu phí của các sản phẩm báo chí trong tương lai.

Trường hợp của VietnamPlus, chuyên trang thu phí đã xuất bản những sản phẩm có tiêu chí chất lượng, nhưng những sản phẩm này đa phần là những sản phẩm dịch lại từ những tác phẩm khác trên thế giới, không có màu sắc nội dung trong nước.

Hình ảnh 1: Ảnh chụp giao diện trang chủ thu phí của VietnamPlus ngày 20/6/2022

Ví dụ, truy cập chuyên trang thu phí của VietnamPlus ngày 23/6/2022, 100% các sản phẩm thu phí được hiển thị ở tất cả các chuyên mục đều là các sản phẩm liên quan đến quốc tế. Ngay cả danh sách thống kê 13 sản phẩm thu phí có lượng đọc nhiều nhất cũng đều là các sản phẩm liên quan đến các vấn đề ngoài Việt Nam.

4.4 Các từ khóa trong nội dung

Nhiều sản phẩm mà các tòa soạn áp dụng thu phí là những thông tin phổ biến và miễn phí ở các báo điện tử khác. Có những câu chuyện còn được phân tích và đưa ra trước khi có sự xuất hiện của các sản phẩm thu phí. Ví dụ tác phẩm thu phí với tiêu đề “Sách giáo khoa được sử dụng như thế nào tại các nước phát triển” trên Special Today ngày 13/6/2022. Chủ điểm này đã được đề cập đến trong tác phẩm “Các nước thực hiện sách giáo khoa ra sao” trên báo điện tử Thanh Niên[6]; “Sách giáo khoa – Nhìn từ các nước phát triển” trên báo điện tử Giáo dục và Thời đại[7]… các chiều cạnh tiếp cận từ góc độ chuyên gia cung cấp thông tin (GS.TS Trần Thị Vinh, khoa lịch sử, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội – bài viết trên báo điện tử Giáo dục và Thời đại), đến câu chuyện của những nền giáo dục cụ thể tại Mỹ, tại Úc (trong bài viết của báo Thanh Niên) đã cho những công chúng khá nhiều thông tin. Do vậy, việc tiếp cận của Special Today trong trường hợp này là một sản phẩm thu phí nhưng lại chậm và thiếu điểm nhấn để thu hút người dùng hơn các sản phẩm miễn phí.

Trên VietNamNet Premium, với tỉ trọng sản phẩm thuộc nhóm thông tấn cao thì tình trạng trạng cũng thường xuyên xảy ra. Ví dụ tác phẩm thu phí “Hà Nội: gần 900 nghìn tỉ đồng phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030”. Tác phẩm xuất bản vào ngày 16/6 nhưng trước đó hai ngày, tiêu đề này đã xuất hiện rất nhiều trên các nội dung miễn phí của những cơ quan báo chí khác như báo điện tử Tiền phong ngày 14/6 có bài viết với tiêu đề giống 100% là “Hà Nội: gần 900 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030”[8]. Rồi bài viết trên tạp chí Kinh tế Việt Nam xuất bản ngày 15/6, website baomoi.com…

Các ví dụ trên chỉ là một trong số các trường hợp sản phẩm thu phí còn chưa có các từ khóa quan trọng trong nội dung để tạo ra dấu ấn khác biệt với các sản phẩm miễn phí. Đây là mảng nếu như phân tích sâu sẽ có nhiều phân tích cụ thể hơn cho hướng tiếp cận về nội dung thu phí, có thể triển khai thành nhiều các nghiên cứu khác. Do giới hạn về dung lượng, trong nghiên cứu này, tác giả chỉ đưa ra một số ví dụ để khái quát về vấn đề này.

5. Kết luận

Việc xây dựng tường phí cho các nội dung trên báo điện tử là xu hướng và hướng đi cần thiết cho các tòa soạn báo điện tử cho tương lai. Tuy nhiên, để thực hiện hướng đi đó, mỗi tòa soạn cần có những giải pháp, hướng đi phù hợp. Qua một số kết quả khảo sát ở trên, theo tác giả, các toà soạn áp dụng thu phí nội dung tại Việt Nam cần cải thiện hai yếu tố quan trọng hiện nay đó là sự cam kết và xác định được hướng đi đặc sắc về nội dung. Theo đó, thứ nhất, các tòa soạn báo điện tử cần có sự cam kết mạnh mẽ hơn về việc tần suất, chất lượng các xuất bản các sản phẩm thu phí. Việc thu phí theo quý, năm đòi hỏi một lộ trình bền vững, dài hơi, tránh hiệu ứng ngược về niềm tin khi thu tiền rồi mà sản phẩm nhận lại lại không tương xứng. Thứ hai, xây dựng được những hướng đi đặc sắc về nội dung. Bởi lẽ, bản chất của hàng hóa thông tin, suy cho cùng vẫn là những giá trị về nội dung. Những sản phẩm tốt, chất lượng, đặc sắc không chỉ thỏa mãn nhu cầu người đóng phí mà còn giúp tòa soạn xây dựng thương hiệu cho tương lai.

bài viết đăng Sách Báo chí truyền thông, những vấn đề trọng yếu, tập 3, năm 2023

Bản pdf tại https://vnu-vn.academia.edu/dinhhau

Tài liệu tham khảo

Alfonso Vara-Miguel, Martin Sanjurjo-San and Elena Diaz-Espina. 2014. “Paid News Vs. Free News; Evolution of the WSJ.Com Business Model from a Content Perspective (2010- 2012)”. Communication & Society 27 (2): 147–167

Andre Carson. 2015. “Behind the Newspaper Paywall and Lessons in Charging for Online Content: A Comparative Analysis of Why Australian Newspapers Are Stuck in the Purgatorial Space between Digital and Print”. Media, Culture & Society 37 (7): 1–20.

Bộ Thông tin và Truyền thông. 2022. “Bộ TT&TT đã trình Chiến lược chuyển đối số báo chí đến năm 2025”. Trang thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông (https://www.mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/152219/Bo-TT-TT-da-trinh-Chien-luoc-chuyen-doi-so-bao-chi-den-nam-2025.html). Truy cập tháng 6 năm 2022

Barbara Brandstetter & Jessica Schmalhofer. 2014. “Paid Content, a Successful Revenue Model for Publishing Houses in Germany?”. Journalism Practice 8 (5): 499–507.

Daniel Riffe, Stephen Lacy, Brendan Watson, Frederick Fico. 2014.  Analysing Media Messages, Using Quantitative Content Analysis in Research, 3rd ed. New York and London: Routledg.

Điệp Lưu. 2020. “Thực tiễn báo chí thu phí từ một số phương tiện truyền thông nước ngoài”. Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông (https://ictvietnam.vn/thuc-tien-bao-chi-thu-phi-tu-mot-so-phuong-tien-truyen-thong-nuoc-ngoai-2020092914460672.htm). Truy cập tháng 6 năm 2022

Federica Cherubini & Rasmus Kleis Nielsen. 2016. “Editorial Analytics: How News Media Are Developing and Using Audience Data and Metrics, Digital News Project 2016”. Reuters Institute for the Study of Journalism (http://reutersinstitute.politics.ox.ac.uk/sites/default/files/Editorial%20analytics%20%20how%20news%20media%20are%20developing%20and%20using%20audience%20data%20and%20metrics.pdf). Truy cập tháng 6 năm 2022.

Helle Sjøvaag. 2015. “Introducing the Paywall, A Case Study of Content Changes in Three Online Newspapers”. Journalism Practice (online) (http://www.tand fonline.com/doi/abs/10.1080/17512786.2015.1017595). Truy cập tháng 6 năm 2022.

Iris Chyi. 2005. “Willingness to Pay for Online News: An Empirical Study of the Viability of the Subscription Model”. Journal of Media Economics 18 (2): 131–142.

Iris Chyi (2012), “Paying for What? How Much? And Why (Not)? Predictors of Paying Intent for Multiplatform Newspapers”. International Journal on Media Management 14 (3): 227–250.

Jim Macnamara. 2005. “Media Content Analysis: Its Uses, Benefits and Best Practice Methodology”. Asia-Pacific Public Relations Journal 6 (1): 1–34.

Kirsi Hantula. 2015. “Four + One Truths about Paywalls”. Living Information (http://livinginformation.fi/en/articles/four-plus-one-truths-about-paywall)

Merja Myllylahti. 2014. “Newspaper Paywalls—The Hype and the Reality”. Digital Journalism 2 (2): 179–194.

Michael Berliner. 2015. “Top Ten Media Trends for the Decade Ahead: Exclusive Survey Findings”. The Guardian online (https://www.theguardian.com/media-network/2015/mar/30/top-ten-media-trends-next-decade-video?CMP=share_btn_tw). Truy cập tháng 6 năm 2022.

Michael Karlsson và Helle Sjøvaag. 2016. “Content Analysis and Online News”. Digital Journalism 4 (1):177–192.

Lê Quốc Minh. 2022. “Chiến lược chuyển đổi số, để phát triển báo Nhân dân thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực”. Báo điện tử Nhân dân (https://special.nhandan.vn/chuyen-doi-so-tbt/index.html). Truy cập tháng 6 năm 2022.

Neil Thurman & Merja Myllylahti. 2009. “Taking the Paper out of News, A Case Study of Taloussanomat, Europe’s First Online-Only Newspaper”. Journalism Studies 10 (5): 691–708.

Ngày nay. 2021. “Ngày Nay ra mắt báo thu phí trực tuyến”. Tạp chí điện tử Ngày Nay, (https://ngaynay.vn/ngay-nay-ra-mat-bao-thu-phi-truc-tuyen-post105504.html). Truy cập tháng 6 năm 2022.

Nguyễn Thị Trường Giang. 2020. “Xu hướng phát triển của báo chí trong kỷ  nguyên kỹ thuật số”. Tạp chí điện tử Người làm báo (https://nguoilambao.vn/xu-huong-phat-trien-cua-bao-chi-trong-ky-nguyen-ky-thuat-so-nwf6967.html). Truy cập tháng 6 năm 2022.

Nina Kvalheim. 2014. “News behind the Wall, an Analysis of the Relationship between the Implementation of a Paywall and News Values”. Nordicom Review 34 (3): 25–42.

Robert Picard. 2010. “A Business Perspective on Challenges Facing Journalism”. In The Changing Business of Journalism and Its Implications for Democracy, edited by David Levy and Rasmus Kleis Nielsen, pp. 7–24, Oxford, UK: Reuters Institute for the Study of Journalism.

Robert Picard. 2014. “New Approaches to Paid Digital Content”. Digital News Report 2014, Reuters Institute for the Study of Journalism, (http://www.digitalnewsreport.org/essays/ 2014/new-approaches-to-paid-digital-content/)

Robert Picard. 2014b. “Twilight or New Dawn of Journalism”. Journalism Studies 15 (5): 500– 510.

Sally Young. 2010. “The Journalism “Crisis”, is Australia Immune of Just ahead of Its Time?”. Journalism Studies 11 (4): 610–624.

Nina Kvalheim. 2014. “News behind the Wall, an Analysis of the Relationship between the Implementation of a Paywall and News Values”. Nordicom Review 34: 25–42.

Thủy Diệu. 2017. “Thu phí đọc báo online tại Việt Nam: VietnamPlus tiên phong?”. Tạp chí điện tử Kinh tế Việt Nam (https://vneconomy.vn/thu-phi-doc-bao-online-tai-viet-nam-vietnamplus-tien-phong.htm). Truy cập tháng 6 năm 2022.

TTXVN. 2018. “VietnamPlus vận hành trang đọc báo thu phí”. Trang thông tin điện tử điều hành tác nghiệp TTXVN (https://dhtn.ttxvn.org.vn/tintuc/vietnamplus-van-hanh-trang-doc-bao-thu-phi-6296). Truy cập tháng 6 năm 2022.

Victor Pickard & Alex Williams. 2013. “Salvation or Folly?”. Digital Journalism 2 (2): 195– 213.

VietNamNet. 2021. “VietNamNet thu phí phiên bản đặc biệt”. Báo điện tử VietNamNet (https://vietnamnet.vn/vietnamnet-thu-phi-phien-ban-dac-biet-745841.html#inner-article). Truy cập tháng 6 năm 2022

Bình luận về bài viết này