Những khoảng trống về thông điệp trước nguy cơ gia tăng bất bình đẳng giới trong chuyển đổi số quốc gia

Mở đầu

Bất bình đẳng giới trong việc làm là một trong số những thực trạng phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thêm vào đó, bất bình đẳng giới trong việc làm lại có mối liên hệ đến nhiều mặt của các vấn đề bình đẳng giới khác trong đời sống xã hội như về thu nhập, vị trí quản lý, giáo dục… Do đó, việc giải quyết vấn đề này, đã và đang ra nhiều thách thức, đòi hỏi các quốc gia cần có nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục. Tuy nhiên, khi bất bình đẳng giới trong việc làm vẫn còn nhiều vấn đề, thì thực tế, chuyển đổi số quốc gia với tương lai phát triển của nhiều ngành nghề mới, việc làm mới, đã làm gia tăng những nguy cơ cho vấn đề này. Trong bài viết này, tác giả tiếp cận một số nguy cơ bất bình đẳng giới việc làm trong chuyển đổi số, gắn với các từ khóa về thông điệp trên trên báo chí, truyền thông, từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm hướng tới giảm nguy cơ bất bình đẳng giới trong việc làm trong tương lai.

1. Thực trạng và định kiến bất bình đẳng giới trong việc làm

1.1 Bất bình đẳng giới trong việc làm

Từ lâu, bất bình đẳng giới trong việc làm là thực trạng và vấn đề thách thức trong nhiệm vụ đảm bảo bình đẳng giới của nhiều quốc gia. Tại Ấn độ, nữ giới trong ngành công nghệ khá thấp. Chỉ có khoảng 26% lao động nữ Ấn Độ nắm giữ các vai trò kỹ thuật (so với các ngành khác, số liệu trung bình là 34%) (Khánh Hợp, 2019). Điều này xuất phát từ định kiến tại quốc gia này: công nghệ là một lĩnh vực dành riêng cho nam giới, do vậy các nhân viên nữ phải đối mặt với sự thống trị của nam giới trong lĩnh vực này. Điều này đã dẫn đến những rào cản tinh thần trong cộng đồng người tiêu dùng, các đồng nghiệp, nhà tuyển dụng và khách hàng. 

Định kiến còn xuất hiện trong cả những chênh lệch về quá trình thăng tiến của nữ trong ngành nghề này. Sau khi phân tích và giải thích dữ liệu về quỹ đạo nghề nghiệp của các kỹ thuật viên cho các vị trí quản lý, một báo cáo đã tiết lộ rằng trung bình nam giới được thăng chức lên quản lý sau 6 năm kinh nghiệm, trong khi phụ nữ được thăng chức sau 8 năm (Khánh Hợp, 2019). Phụ nữ đã quyết định bỏ công việc công nghệ của mình và hướng tới các công việc liên quan đến tiếp thị, quản lý sản phẩm và tư vấn. Ngoài những thiếu hiểu biết về ngành, việc thiếu sự khuyến khích của các bậc cha mẹ ở khu vực nông thôn không cho phép phụ nữ theo đuổi các khóa học chuyên nghiệp liên quan đến công nghệ. Thêm vào đó, tại Ấn Độ, không gian của các công ty trong lĩnh vực công nghệ thường do nam nắm giữ.

Tại Hàn Quốc, chuyển đổi số giúp nữ giới tăng cơ hội việc làm nhưng lại không đồng đều ở các mảng công việc. Bà Moon Y Kyung, Viện trưởng Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc đề cập vấn đề này trong Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ 8 với chủ đề “Phụ nữ trong thế giới đang số hóa: nhìn từ thực tiễn Việt nam và Hàn Quốc”. Bà nhấn mạnh: “Nữ giới Hàn Quốc tham gia vào thị trường lao động trên nền tảng kỹ thuật số nhiều hơn nam, nhưng lại tập trung ở công việc phụ, giản đơn, lặp đi lặp lại, mất nhiều thời gian và có mức lương tương đối thấp” (Minh Trang, 2021). Điều này đưa vấn đề bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc đang có những dịch chuyển sang một tương lai mới.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu 2022 (Global Gender gap report 2022) của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – gọi tắt là báo cáo của WEF), Việt Nam đạt số điểm 0,705 trên thang điểm 1 (thu hẹp 70,5% khoảng cách giới). Trong đó, chỉ số cao nhất Việt Nam đạt được trong báo cáo của WEF là mức độ tham gia và cơ hội kinh tế (thứ 31), với 26,74 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động so với 29,41 triệu nam giới. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra một số thay đổi tiêu cực trong danh mục như: Thu nhập kiếm được ước tính cũng giảm mạnh hơn ở nữ giới (nữ giảm 20,7% so với nam giới là 18,3%); Về học vấn, Việt Nam đứng thứ 88 về trình độ học vấn, nhưng tỉ lệ nữ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học còn thấp (chỉ 35,51% là nữ).

Biểu đồ 1: Điểm số và thứ hạng về khoảng cách giới năm 2022 của Việt Nam
(nguồn Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022)

Số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, cũng chỉ rõ thực trạng mất cân bằng giới tại Việt Nam, đặc biệt là sự chênh lệch về mức lương và công việc. Theo đó, có sự chênh lệch tỉ lệ lao động và gia tăng tỉ lệ lao động có việc làm giữa nam và nữ. Cụ thể, lao động nam là 26,7 triệu người, chiếm 53,1% tổng số lao động (Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2022 là 50,3 triệu người) và tăng 286,5 nghìn người, tương ứng tăng gần 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mức tăng lao động nam giới cao hơn gấp 2 lần so với mức tăng này ở lao động nữ (1,1% so với 0,6%). Đặc biệt, trong việc làm của nam và nữ, gần 2/3 số lao động tự sản tự tiêu là nữ giới (chiếm 62,8%). Bên cạnh đó, số lao động nữ giới làm công việc tự sản tự tiêu 6 tháng đầu năm 2022 tăng 432 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm lao động yếu thế và chịu nhiều ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ngay cả khi thị trường lao động mở cửa trở lại (Tổng cục thống kê, 2022).

Về thu nhập, lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân của lao động nữ là 1,13 lần (7,8 triệu đồng so với 6,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,35 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,4 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng) (Tổng cục thống kê, 2022).

1.2 Định kiến giới trong việc làm tại Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đã thực hiện những bước lập pháp quan trọng về thúc đẩy bình đẳng và không phân biệt đối xử tại nơi làm việc, bao gồm các quy định về quyền bình đẳng giới của mọi công dân trong Hiến pháp và cấm phân biệt đối xử trong Bộ Luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng định kiến về giới vẫn tồn tại, từ đó dẫn đến những kết quả phân biệt đối xử nơi làm việc, trong tuyển dụng…

Báo điện tử Phụ nữ Thủ đô đưa kết quả khảo sát của hãng tuyển dụng nhân sự Navigos Group, theo đó, 42% doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp của họ chưa có chính sách tuyển dụng công bằng, không phân biệt giới tính; 39% ứng viên nam được hỏi cho biết một trong những lý do họ từng được nhận vào làm việc vì họ là nam giới. Theo thống kê, cứ 5 nam giới đi xin việc thì có 2 người được nhận làm việc vì họ là nam giới, trong khi cũng với tỉ lệ 5 nữ giới đi xin việc, thì có 1 người bị từ chối bởi họ là nữ. Bên cạnh đó, nhiều công ty khi tuyển dụng còn công khai yêu cầu về giới tính, khiến việc tiếp cận của phụ nữ đối với một số loại hình công việc nhất định bị hạn chế (Hoàng Lan, 2022).

Trong tọa đàm “Giảm thiểu định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp” do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện tư vấn phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) tổ chức, GS.TS Trịnh Duy Luân, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng có nhận định: “Định kiến giới hiện tại đang thiên về hạ thấp năng lực phụ nữ. Từ đó, đã ảnh hưởng tới lựa chọn nghề nghiệp như cho rằng, một số nghề nghiệp chỉ hợp với nam giới, trong khi một số nghề giản đơn hơn, chủ yếu là nghề dịch vụ thì mặc định hợp với nữ giới, mà hầu hết các nghề này do tính chất công việc giản đơn nên mức thu nhập của nữ giới cũng bị giảm nhiều so với nam giới” (Hoàng Lan, 2022).

Cũng trong tọa đàm này, bà Lê Quỳnh Trang, Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô cũng đưa ra thông tin: “Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới, nhưng trên thực tế định kiến giới vẫn đang tồn tại, hẳn sâu trong tư duy, nếp nghĩ của nhiều người, không chỉ ở nam giới mà ngay cả nữ giới. Phụ nữ lâu nay bị định kiến là chỉ phù hợp với công việc giản đơn như giúp việc nhà, chăm sóc người già. Các bạn trẻ khi lựa chọn nghề nghiệp cũng có suy nghĩ ngành khoa học xã hội hợp với nữ. Trong khi đó, nam giới thường chiếm đa số trong các ngành về kỹ thuật, công nghệ… Không những vậy, trong cùng một công việc, nam giới cũng được đánh giá cao và nhận lương cao hơn phụ nữ” (Hoàng Lan, 2022). 

Như vậy, tại Việt Nam, trước khi có chuyển đổi số, định kiến giới đã và đang khiến nữ giới mất đi nhiều cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến trong công việc. Còn nam giới, trong cùng vị trí công việc, nếu họ đảm nhiệm thì dễ nhận được sự đồng thuận, trong khi phụ nữ lại bị nghi kỵ hoặc phải phấn đấu rất nhiều. 

2. Dịch chuyển việc làm trong chuyển đổi số và những nguy cơ mới về bất bình đẳng giới trong việc làm

– Nguy cơ bất bình đẳng giới từ việc làm gắn với chuyển đổi số

Không phủ nhận việc chuyển đổi số sẽ mở ra những cơ hội việc làm cho nữ, giảm bớt nguy cơ bất bình đẳng giới trong việc làm. Tuy nhiên, ở khía cạnh mặt trái, chuyển đổi số cũng làm gia tăng nguy cơ này. Trong bài viết này, tác giả đưa ra một số luận điểm về nguy cơ dịch chuyển việc làm trong chuyển đổi số với vấn đề bất bình đẳng giới trong việc làm.

Số liệu nghiên cứu cho thấy, những ngành nghề mới gắn với chuyển đổi số trong tương lai đang mất cân bằng về giới nghiêm trọng. Cụ thể lao động nữ ước tính chiếm khoảng 26% lao động trong vai trò Dữ liệu và AI, 15% lao động trong vai trò Kỹ sư và 12% lao động trong vai trò Điện toán đám mây. Một số ngành nghề mới nổi khác cũng trong tình trạng tương tự như: Phụ nữ chiếm 12% Kỹ sư tự động hóa, 13% Nhà phát triển Android, 18% Kỹ sư Robot và 19% Chuyên gia An ninh mạng (Minh Thiện, 2021).

Biểu đồ 2: Mức độ chênh lệch giới trong các ngành nghề ở biên giới của nền kinh tế mới (dẫn lại Minh Thiện, 2021)

Một phân tích khác về triển vọng tăng trưởng trong xu hướng tuyển dụng trong 5 năm trên nền tảng LinkedIn đã cho những cảnh báo về khoảng cách giới trong các công việc trong bối cảnh chuyển đổi số tương lai. Cụ thể, lao động nữ ước tính chiếm khoảng 26% lao động trong vai trò Dữ liệu và AI, 15% lao động trong vai trò Kỹ sư và 12% lao động trong vai trò Điện toán đám mây. Như vậy, những ngành nghề gắn với chuyển đổi số trong tương lai có nhiều nguy cơ về bất bình đẳng giới (Minh Thiện, 2021). 

Biểu đồ 3: Tỷ lệ lao động nam và lao động nữ trong các cụm chuyên môn (dẫn lại Minh Thiện, 2021)

– Sự gia tăng việc làm mới gắn với chuyển đổi số tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin truyền thông (Bộ TTTT) là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì chương trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam. Theo đó, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10-10 là ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Cũng theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Theo đó, ngày 26/8/2022, Bộ TTTT đã lấy ý kiến về Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật “Dự thảo đề án chuyển đổi số quốc gia”. Dự thảo đã đưa ra những con số cụ thể về lực lượng lao động gắn với chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, tại phần II, mục III, điều 5 trong Dự thảo nêu rõ mục tiêu phát triển lực lượng lao động số:“Đào tạo thêm 1 triệu chuyên gia ICT, ưu tiên các công nghệ mới như AI, Big Data, Cloud, Iot”. Tiếp đó, tại phần II , mục V, điều 5, tiểu mục a của Dự thảo nêu: “Đào tạo chuyên môn sâu trong các môn học chủ đề STEM để xây dựng nền tảng cho các tài năng về công nghệ thông tin (CNTT)…”. Tại tiểu mục 5b về Đào tạo nâng cao, đào tạo trong Dự thảo nêu: “Đánh giá thực trạng về lực lượng lao động hiện trạng và dự đoán về những thay đổi thiết yếu trong bộ kỹ năng cho kỷ nguyên số. Xây dựng các chương trình cải thiện kỹ năng số của lực lượng lao động trong tất cả các lĩnh vực, phát triển các chuyên gia kỹ thuật số cần thiết cho kỷ nguyên số” (Bộ TT&TT, 2022). Như vậy, sự gia tăng việc làm của những ngành nghề gắn đổi số đã hiện hữu. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có những nội dung cụ thể về việc cân đối tỉ trọng nam nữ đối với những ngành nghề này trong tương lai. Trước những nguy cơ lớn về bất bình đẳng giới của những ngành nghề mới gắn với chuyển đổi số, kết hợp với định kiến, thực trạng bất bình đẳng giới vốn có, đặt ra những bài toán cho Việt Nam trong vấn đề đảm bảo bình đẳng giới việc làm trong tương lai.

– Những khoảng trống

Bên cạnh những khoảng trống trong Dự thảo đề án chuyển đổi số quốc gia ở trên, chúng ta còn thấy những khoảng trống về hoạt động và thông điệp truyền thông trước nguy cơ gia tăng bất bình đẳng giới về việc làm trong chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể:

Trong Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam – Hàn Quốc lần thứ 8, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt nam đã chia sẻ những hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế, thúc đẩy phụ nữ tham gia kinh tế số như: hỗ trợ cán bộ, hội viên sử dụng các phần mềm để xử lý công việc, ứng dụng mạng xã hội trong hoạt động truyền thông và số hóa nhiều dữ liệu hoạt động chuyên môn; đào tạo, hỗ trợ kết nối, nâng cao năng lực cho phụ nữ Việt Nam đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế trong sử dụng công nghệ thông tin và thị trường online để thực hiện các hoạt động kinh doanh… Các nội dung này đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ kỹ năng cho nữ trong chuyển đổi số là chủ yếu. Trong khi mảng nội dung thôi thúc nữ giới tham gia vào những ngành nghề mới gắn với chuyển đổi số lại chưa được chú trọng.

Bênh cạnh các nội dung hoạt động trên, tác giả tiến hành tra cứu thông điệp báo chí truyền thông theo từ khóa. Từ khóa khảo sát là “Chuyển đổi số – phụ nữ” trên công cụ Google, cho ra 98 triệu kết quả tìm kiếm. Lọc trong 10 trang kết quả tra đầu tiên và các sản phẩn của những cơ quan báo chí chính thống, cho thấy, trong khoảng từ 2021 đến nay, các thông điệp xoay quanh hai nội dung chính:

Thứ nhất, thách thức và cơ hội của nữ trong bối cảnh chuyển đổi số. Hàng loạt các tiêu đề bài báo sử dụng thường tập trung vào hai từ khóa là “thách thức của nữ” và “cơ hội của nữ” trước chuyển đổi số. Đơn cử như bài viết “Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi số” trên Báo Kiểm toán; “Diễn đàn chuyển đổi số – cơ hội và thách thức của phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh” trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, “Nhiều thách thức trên hành trình chuyển đổi số” trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân; “Chuyển đổi số – Cơ hội cho phụ  nữ khởi nghiệp” trên báo Thái Nguyên điện tử; “Doanh nhân nữ gặp khó khi chuyển đổi số” trên báo điện tử VnExpress…

Thứ hai, hỗ trợ, trang bị kỹ năng cho nữ giới trong chuyển đổi số. Trước bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, nhiều các tọa đàm, hội thảo hướng tới hỗ trợ, trang bị kỹ năng cho nữ giới được tổ chức, từ đó, sản phẩm báo chí về mảng này cũng gia tăng. Đơn cử như “Tọa đàm Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19, hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển xanh và bền vững” do trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức. Chương trình tập trung vào nội dung tổ chức các chương trình đào tạo trực tuyến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, tiêu thụ nông sản; trang bị kiến thức, kỹ năng bán hàng thông qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (Minh Trang, 2021). Tại địa phương, các sản phẩm báo chí truyền thông cũng hướng vào quá trình hỗ trợ, trang bị kỹ năng cho nữ trong bối cảnh chuyển đổi số như “Chuyển đổi số giúp nữ hội nhập, phát triển” trên Báo điện tử Thanh Hóa; “Phụ nữ tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” trên Báo điện tử Hậu Giang; “Trang bị kiến thức chuyển đổi số giúp phụ nữ Hà Tĩnh phát triển kinh tế” trên Báo điện tử Hà Tĩnh; “Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phong trào của hội phụ nữ” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La; “Hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh” trên Báo điện tử Lâm Đồng… Nhìn chung, các sản phẩm này đa phần mang tính chất báo cáo, tổng kết sự kiện, hoạt động nội dung tập huấn, triển khai kỹ năng chuyển đổi số đến nữ giới ở các địa phương.

Việc khảo cứu thông qua từ khóa chắc chắn còn nhiều điểm hạn chế, tuy nhiên, kết quả khảo cứu từ khóa thông điệp truyền thông với những hoạt động trọng tâm của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thời gian qua cho thấy những khoảng trống về bất bình đẳng giới gắn với xu hướng dịch chuyển việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia. Việc trang bị, kỹ năng cho nữ giới trước bối cảnh chuyển đổi số là cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, mảng  nội dung, giải pháp để nữ giới xuất hiện trong những ngành nghề tương lai gắn với chuyển đổi số lại còn thiếu. Do đó, bênh cạnh việc duy trì các nội dung đã làm được, chúng ta còn cần thêm những hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, các cơ quan bộ ban ngành, báo chí truyền thông có những giải pháp cụ thể để thôi thúc, tạo động lực cho nữ giới tham gia vào các công việc mới gắn với chuyển đổi số. Từ đó, góp phần thay đổi dần những định kiến nữ giới với những ngành kỹ thuật, công nghệ trong tương lai của chuyển đổi số.

3. Một số kiến nghị từ góc nhìn báo chí truyền thông

Trước thực trạng trên, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ năng cho nữ giới trong bối cảnh chuyển đổi số, chúng ta cũng cần có thêm các giải pháp để thôi thúc nữ giới tham gia vào việc làm gắn với chuyển đổi số. Trong đó, quan trọng là thúc đẩy các động lực để nữ giới tham gia môi trường khoa học, công nghệ, các chương trình giáo dục kỹ thuật và toán học (STEM), dữ liệu, AI… những ngành nghề tương lai gắn với chuyển đổi số. Khi thị trường lao động trải qua thời kỳ chuyển đổi mạnh mẽ, cơ hội để đảm bảo sự bình đẳng là cân bằng nỗ lực giữa phía cầu của việc làm đăng tăng và phía cung của các kỹ năng sẵn sàng cho tương lai. Theo đó, các cơ quan báo chí, truyền thông cần đồng hành và tập trung vào một số trọng tâm như sau:

Thứ nhất, bổ sung những nội dung, nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể vào nội dung Dự thảo chuyển đổi số quốc gia, nhằm giảm thiểu nguy cơ gia tăng bất bình đẳng giới việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số. Theo đó, nếu có thể, cụ thể hóa các chỉ tiêu về việc giáo dục, tỉ trọng vị trí nữ giới trong các công việc mới, ngành nghề mới gắn với tương lai chuyển đổi số. Đây là chỉ số quan trọng, để các bộ ban ngành khác có những giải pháp để thực hiện.

Thứ hai, báo chí, truyền thông cần gia tăng thêm những nội dung thông điệp nhằm dần thay đổi định kiến về giới trong việc làm gắn với chuyển đổi số. Với vai trò định hướng dư luận, kiến tạo xã hội, báo chí, truyền thông cần tiếp tục vai trò tiên phong của mình trong công tác truyền thông, tăng cường nhiều thông điệp hướng tới việc bình đẳng giới việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số. Cung cấp thêm nhiều những góc nhìn đa chiều về vấn đề việc làm ở góc nhìn về giới. Khẳng định những ưu điểm mà cân bằng giới trong việc làm đem lại. Thôi thúc sự chuẩn bị của nữ giới trong một tương lai dịch chuyển của những công việc mới.

Thứ ba, tăng cường các sản phẩm báo chí truyền thông liên quan đến các gương điển hình gắn là nữ giới trong những ngành nghề mới gắn với chuyển đổi số. Điều này tăng cường thêm thông điệp minh chứng nữ giới cũng có khả năng làm các việc công nghệ, kỹ thuật. Điều này không chỉ thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, việc làm từ đó làm giảm thiểu các nguy cơ bất bình đẳng trong thu nhập, lãnh đạo, quản lý… Việc nữ giới xuất hiện ngang bằng trong công việc, khả năng, vị trí sẽ là tiêu chí quan trọng để đảm bảo bình đẳng giới ở nhiều lĩnh vực.

Thứ tư, báo chí truyền thông hướng đến thông điệp dịch chuyển việc làm là một xu thế của tương lai, đòi hỏi nữ giới nói riêng, gia đình, xã hội nói chung cần có những nhận thức mới về việc làm. Với vai trò định hướng dư luận và kiến tạo xã hội, báo chí truyền thông cần tiên phong trong công tác bình đẳng giới, cung cấp những góc nhìn đúng đắn, khách quan về bình đẳng giới trong bối cảnh chuyển đổi số. Theo đó Báo chí truyền thông tiên phong, đi đầu thay đổi nhận thức về việc làm mới trong kỷ nguyên số. Thúc đẩy sự tham gia, chuẩn bị của nữ giới trước sự dịch chuyển việc làm trong kỷ nguyên số.

Kết luận

Hướng tới một xã hội bình đẳng giới là điều mà nhiều quốc gia mong muốn. Trước những nguy cơ mà bối cảnh dịch chuyển việc làm trong chuyển đổi số đặt ra và những khoảng trống đang hiện hữu, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp chung tay vào công cuộc bình đẳng giới trong việc làm. Một mình báo chí, truyền thông là không đủ nhưng là quan trọng, trong một tổng thể  các giải pháp đồng bộ, nhiều mặt để hướng đến một xã hội bình đẳng về giới, từ đó, tạo các điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia.

Nguyễn Đình Hậu

Bài viết đăng Hội thảo Quốc gia “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số”, T11.2022

Tài liệu tham khảo

Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu 2022 (Global gender gap report 2022). 2022. World Economic Forum. Trích nguồn: https://www.weforum.org/reports/global-gender-gap-report-2022/in-full/economy-profiles-5b89d90ea5.

Bộ TT&TT. 2022. Dự thảo đề án chuyển đổi số quốc gia. Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông. Trích nguồn: https://mic.gov.vn/Pages/DuThaoVanBan/XemYKienDongGop.aspx?iDDTVB_DuThaoVanBan=1915&replyUrl=/pages/duthaovanban/danhsachduthaovanban.aspx

Hoàng Lan. 2022. Lựa chọn nghề nghiệp không phụ thuộc định kiến giới: Tại sao không?. Báo Phụ nữ thủ đô điện tử. Trích nguồn: https://baophunuthudo.vn/giao-duc/lua-chon-nghe-nghiep-khong-phu-thuoc-dinh-kien-gioi-tai-sao-khong-103369.html

Khánh Hợp. 2019. Vấn đề bình đẳng giới trong ngành công nghệ Ấn độ. Tạp chí Thông tin và Truyền thông điện tử. Trích nguồn: https://ictvietnam.vn/van-de-binh-dang-gioi-trong-nganh-cong-nghiep-cong-nghe-an-do-1075.htm

Minh Thiện. 2021. Phát triển công nghệ số để thúc đẩy bình đẳng giới. Tạp chí Thông tin và Truyền thông điện tử. Trích nguồn: https://ictvietnam.vn/phat-trien-cong-nghe-so-de-thuc-day-binh-dang-gioi-20211028080739751.htm

Minh Trang. 2021. Chuyển đổi số – chìa khóa tạo đột phá phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao bình đẳng giới. Cổng thông tin điện tử Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trích nguồn: http://vwu.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/chuyen-%C4%91oi-so-chia-khoa-tao-%C4%91ot-pha-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-nang-cao-binh-%C4%91ang-gioi-39545-10.html Tổng cục thống kê. 2022. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Trang thông tin điện tử Tổng cục thống kê. Trích nguồn: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/06/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-ii-va-6-thang-dau-nam-2022/

Bình luận về bài viết này