Quản trị thông tin trước vấn nạn tin giả – Tiếp cận tổng quan từ lịch sử, bản chất và áp dụng cho công chúng trẻ

1. Đặt vấn đề

Cách đây vài tháng, khi đại dịch Covid-19 vẫn đang là từ khóa tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, các nhà nghiên cứu đã nhận định: “Covid-19 là mảnh đất màu mỡ để tin giả bùng phát với quy mô chưa từng thấy trên thế giới và cả Việt Nam, bất chấp những nỗ lực dán nhãn, gỡ bỏ thông tin sai lệch, hay cả sự tham gia của chính quyền với những quy định pháp lý nghiêm ngặt” (Nguyễn Đình Hậu, 2021, tr.70). Trước nguy cơ của vấn nạn tin giả, có những quan điểm gay gắt còn cho rằng, chúng ta có thể nghĩ đến “việc ngắt kết nối Internet, đóng cửa mạng xã hội” để giảm nguy cơ phát tán tin giả (Lê Quốc Minh, 2020). Tuy nhiên, điều này là bất khả thi, bởi trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay, Internet và mạng xã hội là những thành tố dường như không thể thiếu. Để có một góc tiếp cận quản trị hiệu quả câu chuyện tin giả, trong  bài viết này, tác giả sẽ nhìn tin giả từ góc nhìn tổng quan của lịch sử hình thành, thay đổi và phát triển. Việc hệ thống này giúp chúng ta có một góc nhìn sâu vào bản chất của vấn đề, từ đó đưa ra được những luận điểm về cơ chế, từ đó có thể đưa ra các kiến nghị, giải pháp để quản trị tin giả một cách hợp lý.

Trong bài viết, tác giả cũng đưa ra một số luận điểm quản trị  thông tin trước vấn nạn tin giả từ góc nhìn giáo dục công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Góc độ tiếp cận này như chính từ khóa tin giả, là không mới, nhưng theo tác giả, là yếu tố căn cốt cho việc quản trị và hạn chế tin giả ảnh hưởng đến xã hội cho hiện tại và tương lai, khi tin giả là một phần không thể thiếu trong xã hội hiện nay.

2. Tin giả – góc tiếp cận từ lịch sử và bản chất

Trong nghiên cứu, tin giả thường được tiếp cận thông qua hai khái niệm chính là Tin dắt mũi (disinfomation)và Thông tin sai lệch (misnifomation). Theo đó, tin dắt mũi là những thông tin “cố ý” sai lệch, với chức năng đánh lừa đối tượng tiếp nhận thông tin[1]. Thông tin sai lệch là những thông tin “mang tính sai” do lỗi sai phạm, sự tắc trách hoặc định kiến vô thức của người đưa tin[2] (Nguyễn Đình Hậu, 2021, tr.71). Như vậy, về mặt bản chất, tin giả được tạo ra và tồn tại là do cả cố ý và cả không cố ý. Vì vậy, dù muốn hay không thì tin giả sẽ vẫn xuất hiện, tồn tại và ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.

2.1 Lịch sử tin giả

Trong thực tiễn, tin giả là từ khóa không mới. Trước khi nó trở nên quan trọng trong xã hội hiện nay, thì tin giả đã có một lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu. Nó được hình thành, tồn tại với sự thật như hai mặt của bàn tay.

Trong câu chuyện thiếu nhi Cậu bé chăn cừu”[3] – một ví dụ thường được nhắc đến trong các bài học cơ bản về truyền thông, chúng ta đã thấy được một hình thái truyền miệng của tin giả, giữa tin giả với sự thật. Cụ thể, từ một cảm xúc buồn chán trong công việc mỗi ngày, cậu bé chăn cừu đã chủ đích tạo ra thông điệp giả (tin giả do cậu bé tạo ra), nhằm đánh lừa mọi người và tìm kiếm niềm vui cho bản thân mình. Xét về hiệu quả truyền thông, tin giả này đã nhiều lần đem lại niềm vui trong công việc của cậu bé. Tuy nhiên, khi tin giả biến thành tin thật (góc nhìn của cậu bé) và tin thật  biến thành tin giả (góc nhìn của những người đã bị cậu bé lừa) thì kết quả là cậu bé đã bị mất đàn cừu, còn mọi người thì đã không còn tin lời cậu bé, thậm chí ngay cả khi cậu bé đang nói thật.

Một loạt các dẫn chứng khác trong lịch sử được Robert (2017) dẫn trong cuốn sách “The true history of Fake News” (tạm dịch là Lịch sử thực sự của tin giả). Theo đó, trước khi con người có những phát minh về công nghệ in ấn, việc kiểm soát và tạo ra thông tin đã cho con người những quyền lực nhất định. Việc lợi dụng và kiểm soát các quyền lực đó tạo ra những câu chuyện về tin giả. Điển hình là trường hợp của Procopius of Caesarea (500-554 sau Công nguyên), nhà sử học của Byzantium (Hy Lạp), đã sử dụng tin giả để bôi nhọ Hoàng đế Justinian. Trước đó, Procopius đã ủng hộ Justinian trong suốt cuộc đời, đến khi hoàng đế qua đời, Prcopius đã đưa ra thuyết “Secret History” (tạm dịch là Lịch sử bí mật) (Procopius, 1961), làm mất uy tín của hoàng đế và của vợ ông. Nguyên nhân vì hoàng đế Justinian đã chết, không còn người để điều tra và hoàng đế mới lại không ủng hộ Justinian, nên Procopius đã sử dụng những câu chuyện không thể kiểm chứng để tách bản thân mình ra khỏi mối quan hệ với Justinian và lấy lòng vị vua mới (Robert, 2017).

Đến giai đoạn công nghệ in ấn phát triển, tỉ lệ biết chữ tăng lên, việc in và bán thông tin đem lại những giá trị về kinh tế thìkhả năng viết một cách thuyết phục trở thành một lợi thế. Điều này tạo ra một môi trường cho những tin giả tiếp tục được hình thành và phát triển. Điển hình là với những người làm chính trị, họ sẽ luôn tìm cách có được những người viết tài năng và kiểm soát những thông tin được tạo ra từ những bài viết. Ví dụ như trường hợp Pietro Aretino đã cố gắng thao túng cuộc bầu cử giáo hoàng năm 1522 ở Ý. Bằng cách viết những bản “Sonnet” độc ác về tất cả các ứng cử viên và dán chúng trên bức tượng bán thân của một nhân vật được gọi là Pasquino gần Piazza Navona ở Rome (nước Ý). Theo sau đó một loạt tin giả của Pháp được gọi là “Canard”[4] – một phiên bản của tin tức giả được bày bán tràn lan trên đường phố Paris trong suốt thế kỷ 17 ở Pháp (Robert, 2017). Như Jonathan đã nhận định:

“Sự giả dối bay lên và sự thật thì đến sau, đến khi người ta nhận ra, thì đã quá muộn, trò đùa đã kết thúc và câu chuyện đã có tác dụng của nó”(Jonathan,1710).

Sang thế kỷ 20, kỷ nguyên của phương tiện truyền thông đại chúng (sau những phát minh của in ấn là phát thanh, truyền hình) tin giả tiếp tục được sử dụng. Một điển hình được nhiều người nhắc đến cho giai đoạn này là “thuyết nói dối lớn” của Hitler.

Lời nói dối lớn như thế nào cũng không phải là vấn đề, mọi người sẽ dần tin vào điều đó nếu bạn lặp lại nhiều lần”(An ninh thủ đô, 2019).

Thuyết nói dối lớn của Hitler đưa chúng ta về với bản chất tin giả đã đề cập ở câu chuyện cổ tích “Cậu bé chăn cừu”, chỉ là mức độ nói dối đã thay đổi, từ một cậu bé với việc tìm kiếm niềm vui từ tin giả, đã được mở ra, lớn hơn nhiều lần, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và đạt được những hiệu quả to lớn về chính trị. Bằng cách đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thuyết nói dối lớn đã tạo ra một lượng tin giả đủ mạnh để đưa Đức và cả thế giới vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Điều này hoàn toàn phù hợp về mặt tâm lý, khi chúng ta càng nghe thấy điều gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta càng có khả năng ghi nhớ nó, ngay cả khi nó không phải là sự thật (Daniel,1991).

Không dừng lại ở đó, kỷ nguyên Internet ra đời cuối thế kỷ 20 và sự phát triển lớn mạnh của mạng xã hội ở thế kỷ 21, kết hợp với đại dịch Covid-19 đã đưa tin giả trở thành một vấn nạn mang tính chât toàn cầu.

2.2 Mảnh đất Covid-19 và hàng loạt các giải pháp nhưng tin giả vẫn lan truyền

Trước khi có đại dịch Covid-19, tin giả đã tồn tại và ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Như Chris (2018) nhận định “Khi đại dịch Covid-19 chưa diễn ra, bản thân tin giả đã có tốc độ lan truyền nhanh gấp 6 lần tin thật” (Chris, 2018). Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, con người dãn cách, quá trình tiếp nhận thông tin, trao đổi công việc qua Internet, làm cho tin giả bùng phát phát với quy mô chưa từng thấy trên thế giới. Minh chứng cho điều này, ngay sau khi tổ chức thế giới WHO tuyên bố dịch bệnh nCoV xảy ra tại Trung Quốc và các các trường hợp mắc virus này tại các quốc gia khác là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (công bố ngày 31/1/2020) thì WHO cũng lập tức mở chiến dịch chống tin giả về nCov.

Tháng 2/2021, mạng xã hội Facebook tuyên bố sẽ mạnh tay hơn để loại bỏ những thông tin sai lệch trên nền tảng của mình thông qua việc xóa các nhóm, tài khoản và trang Instagram liên tục phát tán thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19 (Hiếu Trung, 2021). Mạng xã hội Twitter cũng ra mắt chương trình Birdwatch chống tin giả (Hiếu Trung, 2021b); Triển khai hệ thống cho phép dán nhãn tới dần loại bỏ những người có dấu hiệu vi phạm nhiều lần (tối đa 5 lần) khi thực hiện những nội dung sai lệch (Lê Ánh, 2021); Hợp tác với các hãng tin AP (Mỹ) và Reuters (Anh) để nhanh chóng cung cấp thông tin đáng tin cậy trên mạng xã hội khi xảy ra các sự kiện, tin tức nóng (Ngọc Ánh, 2021). Mạng xã hội video toàn cầu Youtube từ 2020 đến 2021 đã gỡ bỏ 130.000 video lan truyền sai sự thật về vaccine Covid-19 ra khỏi nền tảng của mình… Nhưng là không đủ, vấn nạn tin giả vẫn bùng nổ và ảnh hưởng đến đời sống toàn cầu.

Tại Việt Nam, cuộc chiến chống tin giả cũng diễn ra trên nhiều mặt. Từ phía chính quyền, khi đại dịch xảy ra, tính đến 3/2020, lực lượng chức năng Việt Nam đã xác minh và làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật về Covid-19, xử phạt hành chính hơn 140 người. Đến tháng 1/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thành lập Trung tâm xử lý tin giả và Cổng thông tin tiếp nhận, phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn. Đến tháng 2/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục ban hành Chỉ thị 05/CT-BTTTT nhấn mạnh toàn ngành thông tin và truyền thông cần “kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch”. Về phía các cơ quan báo chí,  Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), năm 2019, cũng đã triển khai kênh thông tin Factcheckvn trên nền tảng Tiktok của Thông tấn xã Việt Nam; Triển khai nội dung Fact-check; Dự án nói không với Fake News. Báo Nhân dân điện tử năm 2021 cũng mở chuyên mục Kiểm chứng thông tin  (Fact-check) trên trang nhất của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh hàng loạt các giải pháp trên, tin giả vẫn bùng phát, gây ra những hệ quả báo động. Đơn cử như hơn 60% số lượng tin giả về các vấn đề sức khỏe lan truyền trên nền tảng Internet được cho là đáng tin cậy và niềm tin vào những câu chuyện này tiếp tục tăng lên nếu chúng được lặp đi lặp lại (Mỹ Hạnh, 2019).

“Công chúng đều biết và số đông thừa nhận các tin tức trên mạng xã hội không đáng tin, nhưng ngược lại, xu hướng lấy tin trên mạng xã hội và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi mạng xã hội vẫn diễn ra” (Mỹ Hạnh, 2019).

Lý giải điều này là do hầu hết công chúng thường không có kiến thức chuyên môn về y khoa, do đó, với bản chất thiên kiến cá nhân, nếu những thông tin được đưa ra dưới một hình thức trông có vẻ hợp lý, được cộng đồng chia sẻ, thì công chúng rất dễ dàng tin vào điều đó. Kết hợp với cơ chế nghe nhiều thành đúng thì mức độ niềm tin này ngày càng gia tăng theo số lần nó được lặp lại, và cứ như thế càng nhìn thấy điều gì nhiều thì mọi người lại càng tin.

2.3 Cơ chế lan truyền của tin giả

Bản chất con người khi sống trong một xã hội có nhiều thông tin phức tạp là đi tìm một câu trả lời đơn giản dựa vào các thông tin tương đối dễ hiểu. Câu trả lời này khiến bộ não tạm hài lòng để có thể tiếp tục dồn năng lượng cho những vấn đề quan trọng khác. Điều này đã tạo ra ba cơ chế lan truyền mạnh mẽ của tin giả là thiên kiến, cộng đồng chia sẻ và cơ chế nghe nhiều thành đúng (Nguyễn Đình Hậu, 2021, tr.71). Trong bài viết này, tác giả đề cập đến ba cơ chế lan truyền quan trọng của tin giả là thiên kiến, cộng đồng chia sẻnghe nhiều thành đúng.

Thứ nhất, thiên kiến: Khi con người tin vào một điều gì đó, thì trí óc sẽ bị thu hết đến những sự kiện và thông tin phù hợp với niềm tin đó. Từ đó ta trở nên thiếu khách quan và chỉ nhìn thấy những gì muốn thấy. Cơ chế này rất quan trọng cho sự sinh tồn, vì bộ não có thể tiết kiệm năng lượng để tập trung vào những tín hiệu quan trọng, tuy nhiên, nó lại là nguy cơ cho những tin giả lan truyền. Hiện nay, mạng xã hội và các thuật toán công nghệ đã khiến những thiên kiến dễ xuất hiện. Chỉ cần một vài lần tìm kiếm, like, chia sẻ hay comment là những post và nội dung tương tự sẽ ồ ạt kéo đến. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, những thông tin, tín hiệu xuất hiện nhiều đó chưa chắc lại là những tín hiệu đúng, mà trong thế giới ảo đó, mọi thứ có thể diễn ra như ý bạn muốn, chỉ có điều, đó không phải là thế giới thật.

Thứ hai, cộng đồng chia sẻ: Chúng ta đều biết, thời xa xưa, hình thức trừng phạt khắc nghiệt nhất không phải là cái chết mà là sự ghẻ lạnh và bị cộng đồng bỏ rơi. Trong xã hội hiện đại, các cộng đồng chia sẻ ngày càng nở rộ (Phương Mai, 2021). Niềm tin của cá nhân có thể khác với cộng đồng nơi cá nhân đó sống nhưng sẽ luôn có một hoặc nhiều cộng đồng khác cùng quan điểm (phổ biến là các cộng đồng được sinh ra trên môi trường Internet). Cảm giác xung quanh toàn những người nói giống như mình, nghĩ giống như mình, có kẻ thù hệt như mình sẽ là một nguồn năng lượng rất lớn.

Thứ ba, nghe nhiều thành đúng: Bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, nhưng ngốn tới 20% năng lượng. Do đó, nguyên tắc làm việc của bộ não là càng ít phải nghĩ càng tốt. Vì vậy, phần lớn các hoạt động thường ngày của chúng ta được hiệu quả hóa bằng thói quen. Cá nhân nào biến cuộc sống của mình thành nhiều thói quen có lợi (ví dụ như tập thể dục, tiết kiệm tiền, nghĩ kỹ trước khi phát biểu…) sẽ có nhiều khả năng thành công hơn. Dựa trên cơ chế đó, những gì khiến ta cảm thấy thân quen sẽ vào đầu nhanh hơn và ở lại lâu hơn. Đó cũng chính là lý do một thông tin dù sai, nếu nhắc đi nhắc lại trở nên thân quen thì cũng trở thành một thông tin đúng.

3. Quản trị thông tin trước vấn nạn tin giả, góc tiếp cận từ giáo dục công chúng trẻ

Từ lịch sử, từ cơ chế lan truyền, theo tác giả, việc ngăn chặn tin giả hình thành và chặn công chúng tiếp cận tin giả là bất khả thi. Xã hội số, kỷ nguyên số, tin giả và sự thật sẽ luôn song hành. Để quản trị thông tin trước vấn nạn tin giả, giảm bớt ảnh hưởng của nó, theo tác giả, một trong những giải pháp căn cốt là tập trung vào giáo dục con người, đặc biệt là nhóm công chúng trẻ. Khi nhận thức của con người đủ mạnh thì khả năng tin giả ảnh hưởng đến họ sẽ càng thấp. Khi đó, tin giả vẫn tồn tại, nhưng có thể chỉ là những thông tin mang tính chất giải trí, hài hước bên cạnh sự thật, chứ không nguy hiểm và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Nhóm công chúng trẻ trong bài viết hướng tới là nhóm công chúng thuộc thế hệ Gen Z, Gen Alpha (thế hệ tương lai). Đặc trưng của họ là những thế hệ có sẵn công nghệ Internet, có mối liên kết kỹ thuật số với Internet, công nghệ tồn tại và tác động lớn đến thói quen và tạo nên những điểm khác biệt của những thế hệ này (Nguyễn Đình Hậu, 2021b). Từ góc nhìn tâm lý học, hiệu ứng Dunning-Kruger cho rằng, mọi người đánh giá khả năng nhận thức của họ cao hơn năng lực thực tế. Nghiên cứu này được kiểm tra trên các bạn sinh viên và cho kết quả “sinh viên có năng lực thì đánh giá thấp thứ hạng của họ trong khi các sinh viên không đủ năng lực lại tự đánh giá quá cao bản thân mình” (Kruger & Dunning, 1999). Kết hợp với xu hướng tin tưởng bạn bè trên mạng xã hội và dựa vào mạng xã hội để biết thông tin, công chúng trẻ là những người dễ bị ảnh hưởng và tác động của tin giả, đặc biệt là các tin giả có chủ đích nguy hại. Vì vậy, để hạn chế tin giả ảnh hưởng đến nhóm công chúng này chúng ta cần sớm đưa các nội dung giáo dục về tin giả nhiều lần ngay từ khi nhóm công chúng này học tập trên ghế nhà trường. Bởi lẽ, như đã nói, về mặt tâm lý, chúng ta càng nghe thấy điều gì đó lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta càng có nhiều khả năng ghi nhớ về nó (Daniel, 1991), đồng thời, ở lứa tuổi của Gen Alpha, Gen Z, lứa tuổi tiếp xúc và học theo rất nhanh, do vậy, việc hiểu về tin giả và nhắc đi nhắc lại nhiều, sẽ tạo thói quen, trang bị kỹ năng cho họ. Nội dung giáo dục cho công chúng trẻ có thể tập trung vào một số khía cạnh cụ thể như:

Giáo dục để họ hiểu về thông tin, phương tiện truyền thông.Điều này giúp cho họ có khả năng hiểu, kiểm soát và áp dụng thông tin, từ đó hình thành các tư duy phản biện, đặt câu hỏi đối với các vấn đề.

Giáo dục để họ đánh giá được thông tin và tìm kiếm đến những nguồn thông tin chính thống. Những người trẻ là những người thường thiếu kinh nghiệm sống, do vậy cần xây dựng và triển khai các bộ kỹ năng để họ có thể đánh giá thông tin, nhận diện tin giả và cách tìm đến những nguồn thông tin chính thống cho người trẻ. Với nguồn thông tin phong phú trên Internet hiện nay, việc tìm kiếm thông tin trở nên khá dễ dàng, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định các nguồn tin đó đến từ một nguồn chuyên gia và đáng tin cậy.

Giáo dục để họ thay đổi hành vi và đọc trước khi chia sẻ. Một lý do khác khiến tin giả lan truyền do hành vi chia sẻ thông tin khi chỉ đọc tiêu đề mà không suy nghĩ và đọc vào nội dung thông điệp. Có một thực tế trên truyền thông hiện nay, nhiều tiêu đề có thể gây hiểu lầm hoặc có thể không liên quan đến câu chuyện mà nó được gắn vào. Do vậy, việc chia sẻ liên kết với người khác mà không xem câu chuyện được đình kèm có thể dẫn đến những hệ quả về tin giả. Thêm vào đó hãy luôncẩn trọng về bạn của bạn.Trong thế giới của mạng xã hội, thông tin tự động được đưa đến chúng ta, thay vì việc chúng ta tìm kiếm nó (Đặc biệt, khía cạnh nhiều bạn, nhiều người theo dõi lại là một trong những tiêu chí đánh giá sự nổi tiếng), nhiều người trẻ tìm mọi cách để thu hút mọi người theo dõi mình, dẫn đến những nguy cơ phát tán tin giả.

Giáo dục họ về các công cụ tìm kiếm. Một chiến lược quan trọng khác để ngăn chặn tin giả là giáo dục người trẻ về cách tin giả được tạo ra và cách nó lan truyền. Ví dụ, khi mọi người tìm kiếm thông tin, họ thường sử dụng công cụ tìm kiếm. Lượng kết quả tìm kiếm được là rất nhiều. Tuy nhiên, phần lớn người tìm kiếm thường nhìn vào các liên kết ở trang kết quả tra cứu đầu tiên và hầu hết mọi người thường không vượt qua các kết quả liên liên kết thứ hai của trang thứ hai (Shannon, Andrew & Maeve, 2016). Như vậy, vị trí của các kết quả tra cứu là rất quan trọng. Việc can thiệp để sửa các thuật toán là một giải pháp. Nhưng bên cạnh đó, công chúng cũng cần am hiểu về cách các công cụ tìm kiếm sắp xếp các kết quả, từ đó có thể báo trước cho người dùng về những thứ họ tìm thấy[5].

4. Kết luận

Như vậy, theo tác giả, việc ngăn tạo ra tin giả hoặc ngăn công chúng tiếp cận tin giả là bất khả thi. Trong kỷ nguyên truyền thông kỹ thuật số, tin giả và sự thật sẽ luôn song hành. Để giảm bớt sự ảnh hưởng của tin gải, quản trị thông tin một cách hiệu quả thì một trong những giải pháp đi vào giá trị căn cốt là tập trung vào con người, đặc biệt là những người trẻ. Giáo dục để họ hiểu về thông tin, phương tiện truyền thông, xây dựng các bộ kỹ năng để đánh giá được thông tin, tìm kiếm đến các nguồn thông tin chính thống, từ đó dần dần thay đổi hành vi của công chúng để khi công chúng có xuất hiện xung quanh họ thì họ vẫn có những giải pháp để ngăn sự ảnh hưởng của tin giả đến cuộc sống.

Nguyễn Đình Hậu

Bài viết đăng trong Hội thảo Quốc tế “Ngăn chặn, xử lý tin giả trên không gian mạng – Lý luận và thực tiễn”, T3.2023

Tài liệu tham khảo

Anh ninh thủ đô (2019). “Giải mã bí mật về thuyết nói dối lớn của trùm phát xít Hilter”. Truy cập tháng 6 năm 2022 tại https://www.anninhthudo.vn/giai-ma-bi-mat-ve-thuyet-noi-doi-lon-cua-trum-phat-xit-hilter-post389837.antd

Chris S.W. (2018). “Fake news travels six times faster than the truth on Twitter”. Truy cập tháng 6 năm 2022 tại https://www.newscientist.com/article/2163226-fake-news-travels-sixtimes-faster-than-the-truth-on-twitter/

Daniel T. Gilbert (1991). “How Mental Systems Believe”. American Psychologist 46 (2). tr. 107–19.

Hiếu Trung (2021). “Facebook, Instagram cấm các tài khoản tung tin giả về covid 19”. Báo điện tử Thanh niên. Truy cập tháng 6 năm 2022 tại: https://thanhnien.vn/facebook-instagram-cam-cac-tai-khoan-tung-tin-gia-ve-covid-19-post1036822.html

Hiếu Trung (2021b). “Twitter ra mắt chương trình Birdwwatch chống tin giả”. Báo điện tử Thanh niên. Truy cập tháng 6 năm 2022 tại: https://thanhnien.vn/twitter-ra-mat-chuong-trinh-birdwatch-chong-tin-gia-post1032320.html

Jonathan Swift (2016). “The Art of Political Lying”. Examiner, no. 14 (November 9, 1710), para. 9, repr. in Richard Nordquist, “The Art of Political Lying, by Jonathan Swift,” ThoughtCo., last updated March 20, 2016, https://www.thoughtco.com/art-of-political-lying-by-swift-1690138.

Kruger Justin, Dunning David (1999). “Unskilled and Unaware of It: How Difficulties in Recognizing One’s Own Incompetence Lead to Inflated Self-Assessments”. Journal of Personality and Social Psycholiogy 77 (6). Tr. 1121-1134.

Lê Ánh (2021). “Twitter chặn người dùng liên tục đăng tin sai lệch về vaccine”. Báo điện tử Tin tức (TTXVN). Truy cập tháng 6 năm 2022 tại: https://baotintuc.vn/the-gioi/twitter-chan-nguoi-dung-lien-tuc-dang-tin-sai-lech-ve-vaccine-20210302190942674.htm

Lê Quốc Minh (2020). “Vấn nạn tin giả”. Truy cập tháng 6 năm 2022 tại: https://special.vietnamplus.vn/2020/06/19/van_nan_tin_gia/

Mỹ Hạnh (2019). “Hơn một nửa tin giả về sức khỏe lan truyền trên mạng được công chúng tin là thật”. Tạp chí điện tử Tia sáng. Truy cập tháng 6 năm 2022 tại: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Hon-mot-nua-tin-gia-ve-suc-khoe-lan-truyen-tren-mang-duoc-cong-chung-tin-la-that-20824

Ngọc Ánh (2021). “Twitter hợp tác với các hãng tin AP, Reuters để ngăn chặn thông tin sai lệch”. Báo điện tử Tin tức (TTXVN). Truy cập tháng 6 năm 2022 tại: https://baotintuc.vn/the-gioi/twitter-hop-tac-voi-cac-hang-tin-ap-reuters-de-ngan-chan-thong-tin-sai-lech-20210803092739051.htm,

Nguyễn Đình Hậu (2021). “Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và bài toán cho các cơ quan báo chí tại Việt Nam”. Kỷ yếu hội thảo quốc tế Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tr. 70-77.

Nguyễn Đình Hậu (2021b). “Sự biến đổi và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo ngành báo chí và truyền thông: một số gợi ý tiếp cận từ trường hợp Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông”. Kỷ yếu hội thảo Đổi mới đào tạo báo chí và truyền thông trong bối cảnh hiện nay, tr. 65-72.

Pietro Aretino (2022). Wikipedia, truy cập tháng 6 năm 2022 tại: https://en.wikipedia.org/wiki/Pietro_Aretino

Procopius (1961). Secret History. Translated by Richard Atwater (New York: Covici Friede; Chicago: P. Covici, 1927; repr. Ann Arbor: University of Michigan Press, 1961), https://sourcebooks.fordham.edu/basis/procop-anec.asp

Robert Darnton (2017). The True History of Fake News. The New York Review of Books. Shannon Greenwood, Andrew Perrin, and Maeve Duggan (2016). “Social Media Update 2016”. Pew Research Center: Internet and Technology, www.pewinternet.org/2016/11/11/social-media-update-2016/.


[1] Việc định đoạt giả thật phụ thuộc rất nhiều vào việc người tiêu thụ thông tin có cơ sở để đặt nghi vấn về nội dung thông tin được truyền tải hay không. Các yếu tố này đòi hỏi thời gian và sự tham gia xử lý thông tin có chiều sâu mà không phải người tiếp nhận thông tin nào cũng sẵn sàng thực hiện. Do vậy, việc công chúng phải dành nhiều thời gian vào việc tranh luận, phân tích bối cảnh, tính xác thực và độ đáng tin của thông tin mà họ nhận được là bất khả thi. Đó là chưa kể đến việc, không phải lúc nào, bức tranh về nhiều vấn đề phức tạp cũng có thể sẵn sàng được đưa đến với họ.

[2] Tin dắt mũi cũng có tính chất này, nhưng điểm khác nhau quan trọng đó là tin dắt mũi xuất phát từ chủ ý lừa lọc của đối tượng đưa tin.

[3] Tiếng việt lớp 1, tập 2, trang 94, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, Nxb Giáo dục Việt Nam 2021

[4] Từ canard trong tiếng Pháp có thể được sử dụng để chỉ một tin đồn hoặc câu chuyện vô căn cứ.

[5] Có thể tham khảo cách google sắp xếp thuật toán tìm kiếm của mình tại địa chỉ https://firstpagesage.com/seo-blog/the-google-algorithm-ranking-factors/

Bình luận về bài viết này