Sự biến đổi và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo ngành báo chí và truyền thông: một số gợi ý tiếp cận từ trường hợp Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông

Môi trường báo chí truyền thông Việt Nam đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ từng ngày từng giờ trong bối cảnh hội nhập quốc tế của kỷ nguyên kỹ thuật số, theo đó tư duy xã hội, môi trường đã và đang tạo ra nhiều diện mạo mới đã đặt ra những thách thức cho công tác đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam.

* Sự biến đổi và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo ngành báo chí và truyền thông trong kỷ nguyên số

“Thị trường đào tạo” nở rộng đồng nghĩa với sự gia tăng về cạnh tranh

Mới đây, vào ngày 11/12/ 2020, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM thông báo rộng rãi đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021, điểm đáng chú ý trong đề án này đó là trường dự kiến tuyển sinh ngành báo chí trong năm 2021. Đây là dấu mốc mà nhiều đơn vị báo chí lớn tại Việt Nam lấy làm tiêu đề cho tác phẩm của mình: “Trường đại học ngoài công lập đầu tiên dự kiến tuyển sinh ngành báo chí” (Minh Giảng, 2020).

Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM là một trong những dấu hiệu minh chứng cho sự biến đổi về “thị trường đào tạo” nguồn nhân lực về báo chí  và truyền thông tại Việt Nam. Bởi lẽ, thực tế, nếu nhìn vào các đơn vị đang đào tạo ngành truyền thông, chúng ta khó có thể đếm hết trên hai bàn tay, thì ngành báo chí, một trong những ngành trước đây nhiều người cho rằng chỉ đào tạo ở các cơ sở công lập thì nay đã có những tín hiệu về việc tuyển sinh vào đạo tạo ở các đơn vị tư nhân. Chưa bàn đến việc các nhân lực từ những ngành gần, ngành xa đang áp lực đến ngành báo chí, truyền thông thì sự kiện trên cũng đã là dấu hiệu cho tương lai về “nguồn cấp” nhân lực cho lĩnh vực này sẽ tiếp tục được mở rộng, tạo ra một bức tranh cạnh tranh trong đào tạo trở nên mạnh mẽ.

“Thị trường tiêu thụ” biến động đặt ra những thách thức mới

Tại Việt Nam, trái ngược với áp lực cạnh tranh của thị trường đào tạo, thì “thị trường tiêu thụ” lao động của ngành này cũng đang có nhiều biến động không ngừng. Ngày 3/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành quyết định số 62/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bản Quy hoạch này có nhấn mạnh đến việc sắp xếp hệ thống lại các cơ quan báo chí theo hướng giảm số lượng (theo tính toán của Hội nhà báo Việt Nam, dự kiến bản quy hoạch này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 8194 nhân sự làm việc trong ngành (Như Hương, 2020).

Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Mạnh Hùng ngày 6/11/2020 đã báo cáo Quốc Hội: “Đến tháng 6/2020 đã có 33 tổ chức hội có cơ quan báo, 13/29 cơ quan ở bộ ngành, 30/63 địa phương đã tiến hành xong quy hoạch. Dự kiến  hết năm 2020 sẽ thực hiện xong 100% quy hoạch[1]. Nhìn vào tổng thể, thị trường tiêu thụ của ngành không dừng lại ở những đơn vị báo chí, tuy nhiên, việc một cánh cửa trong thị phần này dường như hẹp lại, phần nào đó sẽ giảm bớt cơ hội việc làm, tương quan với nguồn cung đào tạo lại có xu hướng tăng.

Trên thế giới, cách đây không lâu, vào ngày 8/9/2020 tờ The Guardian đã chạy dòng chữ bên trên một bài báo: “A robot wrote this entire article. Are you Scared yet, human?” (tạm dịch “Người máy đã viết toàn bộ bài báo này. Sợ chưa? hỡi con người?”). Nhiều người nói rằng, tương lai của AI có thể không chắc chắn nhưng chắc chắn nó đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới các tạo ra nội dung báo chí và cách công chúng tiêu thụ tin thông tin. Như nhận định mà nhà nghiên cứu Phạm Hải Chung đã chia sẻ trong bài viết “Máy…viết báo có thay thế nhà báo” đăng trên báo điện tử Thanh niên rằng: “Trong một tương lai không xa, những cỗ máy thông minh sẽ tạo ra những bài báo, có lẽ giống hệt như thể loại chúng ta đang đọc bây giờ. Vậy nên, những nhà báo tương lai, cần phải rất giỏi để tận dụng AI và là trung tâm trong toàn bộ quá trình tạo nên tác phẩm báo chí chất lượng của mình” (Phạm Hải Chung, 2020). Như vậy, áp lực về đa kỹ năng, đa phương tiện chưa dừng lại, ngày nay, những người tham gia vào thị trường nhân lực này còn phải có thêm có các kiến thức chuyên sâu về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ đó tạo ra những tác phẩm chất lượng mà máy móc khó có thể thực hiện được.

Công chúng tiêu thụ sản phẩm đào tạo, họ là thế hệ Z

Một nghiên cứu nhân khẩu học năm 2018, với tiêu đề “Kết nối với thế hệ Z tại Việt Nam – Làm thế nào để các thương hiệu có thể tương tác với thế hệ người tiêu dùng tương lai?”, của Nielsen về thế hệ Z[2] tại Việt Nam cho rằng: “Thế hệ này có nhiều đòi hỏi hơn cho sản phẩm, dịch vụ. Họ cởi mởi với những trải nghiệm mới” (Với 40% thế hệ Z trong nghiên cứu cho rằng, họ luôn sẵn lòng thử các trải nghiệm thú vị, ngay cả khi họ đã thường xuyên sử dụng thương hiệu quen thuộc)[3]. Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên có sẵn công nghệ Internet ngay từ nhỏ (Prensky, Marc, 2001) và là thế hệ có mối liên kết kỹ thuật số với Internet (Turner, Anthony 2015), công nghệ đã tác động lớn đến thói quan và tạo nên những điểm khác biệt của thế hệ này. Đặc điểm của họ là học tập cùng công nghệ, có tinh thần chủ động, tự tin học tập. Nếu thế hệ trước đó (thế hệ Y) vẫn học tập dựa trên nguồn tài liệu chủ yếu từ sách giáo khoa và bài giảng của giảng viên trên lớp thì thế hệ Z sẽ có những biến đổi trong học tập, chủ động, linh hoạt và đa dạng hình thức hơn. Với sự hỗ trợ của Internet, thế hệ Z cũng được coi là thế hệ có khả năng tự học cao, do tự tìm kiếm kiến thức trên mạng, trải nghiệm học tập không chỉ gói gọn trong trường lớp mà còn trải rộng ra trên thế giới phẳng (Nguyễn Lê, 2020). Với những đặc trưng, đặc điểm của công chúng tiêu thụ sản phẩm đào tạo báo chí và truyền thông thế hệ Z, sẽ đặt ra những thách thức cho các đơn vị đào tạo ngành báo chí và truyền thông hiện nay.

 * Một số gợi ý, tiếp cận từ trường hợp đào tạo ngành Báo chí của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (tiền thân là Khoa Báo chí) được thành lập năm 1990, ghi dấu mốc sự kiện lần đầu tiên, việc đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một ngôi trường không nằm trong hệ thống trường Ðảng, hơn nữa, còn là trường đại học trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Với sứ mệnh phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực báo chí truyền thông, đáp ứng nhu cầu cao của một xã hội thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa. Hiện nay, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông ở cả 3 bậc học, từ cử nhân đến tiến sĩ ngành Báo chí. Đội ngũ giảng viên của viện đều trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó 35% cán bộ giảng dạy là Phó Giáo sư và hơn 60% đạt học vị Tiến sĩ. Ở bậc đào tạo đại học, Viện đang tuyển sinh các ngành Báo chí, Báo chí chất lượng cao và Quan hệ công chúng. Trải qua 30 năm đào tạo và nghiên cứu, đã có gần 10.000 sinh viên, học viên đã tốt nghiệp, tham gia vào thị trường, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống lĩnh vực báo chí và truyền thông hiện nay. Một phần đóng góp vào thành công đó là những điểm nhấn trong công tác đào tạo. Tiếp cận từ khung chương trình đào tạo ngành báo chí năm 2015 và năm 2019 (gọi tắt là khung năm 2015 và khung năm 2019)[4], tác giả đưa ra một số góc độ tiếp cận mang tính chất gợi ý thảo luận. Cụ thể:

Hướng tới đa kỹ năng, đa lựa chọn

Mục tiêu kiến thức nhấn mạnh đến việc người học có hiểu biết rộng về đời sống xã hội, có kiến thức chuyên ngành vững vàng trên các lĩnh vực báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử, quảng cáo, quan hệ công chúng; đồng thời nắm được xu hướng phát triển của các loại hình báo chí trong nước và trên thế giới, có khả năng phân tích, thảo luận và bình luận những vấn đề báo chí chuyên sâu. Về định hướng kỹ năng, người học sẽ được đào tạo kỹ năng thực hành trên tất cả lĩnh vực báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử,.. Theo đó, các học phần trong khối kiến thức ngành (M5), được tổ chức theo các kỹ năng của các loại hình báo chí và truyền thông hiện nay: kỹ năng viết cho báo in, kỹ năng viết cho báo điện tử, kỹ năng viết cho phát thanh và truyền hình,…Với định hướng này, tạo ra những ưu điểm trong phổ rộng kiến thức kỹ năng, tăng khả năng đa năng, đa phương tiện, đa nền tảng cho  người học khi ra trường.

Trong khối kiến thức ngành (M5), người học sẽ có tỷ trọng khối kiến thức định hướng nhóm ngành chuyên sâu được tự chọn trong quá trình theo học (khung 2015 tỉ lệ là 22,2%, khung 2019 tỉ lệ là 12,3%). Có có ba khối kiến thức tự chọn: Tự chọn 1: Báo in – báo trực tuyến hoặc Tự chọn 2: phát thanh – truyền hình hoặc Tự chọn 3: Quan hệ công chúng – quảng cáo. Sau những học phần cung cấp các kiến thức về tất cả các loại hình báo chí và truyền thông, người học phải lựa chọn một trong ba khối kiến thức tự chọn học đầy đủ để đáp ứng đủ điều kiện tốt nghiệp. Sau khi học đủ một khối, người học vẫn có thể học mở rộng để nạp thêm kiến thức nếu như thích thú và quan tâm. Như vậy, lượng kiến thức, kỹ  năng không chỉ đa dạng mà còn tạo nên các tùy biến để người học có thể lựa chọn cho định hướng chuyên sâu sau này của mình. Điều này tạo nên một khung chương trình vừa có yếu tố chặt chẽ lại vừa linh hoạt, đa dạng, tùy biến. Người học được chủ động lựa chọn theo đam mê, phần nào khắc phục được hạn chế ban đầu khi chuyển từ THPT lên đại học và tương thích với mô hình đào tạo theo hình thức tín chỉ. Để tăng số lượng và dễ hình thành các lớp học phần, tạo ra sự đa dạng về thời gian học trong mô hình tín chỉ, các học phần trong khối kiến thức tùy chọn này sẽ được tổ chức thành các lớp nhỏ (dưới 30 sinh viên/lớp), giúp thuận lợi trong việc sử dụng thiết bị, sản xuất sản phẩm báo chí và truyền thông tại các không gian thực hành.

Ngoài ra, bên cạnh các nội dung về truyền thông mới, truyền thông hội tụ và đa phương tiện, truyền thông xã hội… Viện còn bố trí một số học phần của kiến thức ngành ngay trong các học kỳ đầu của sinh viên năm thứ nhất. Đơn cử môn báo chí truyền thông đại cương, ảnh báo chí… vừa tạo hứng thú cho người học, vừa giúp người học sớm có tri thức về ngành để có những lựa chọn phù hợp với khối kiến thức tự chọn sau này.

Nền tảng khoa học xã hội và nhân văn, hướng tới đa ngành, liên ngành, xuyên ngành

Cơ cấu nội dung chương trình đào tạo của ngành báo chí có nhiều điểm chung với hệ thống đào tạo đại học tại Việt Nam gồm 5 khối kiến thức từ M1 đến M5: khối kiến thức chung (M1); khối kiến thức theo lĩnh vực (M2), khối kiến thức theo khối ngành (M3), khối kiến thức theo nhóm ngành (M4), khối kiến thức ngành (M5). Tuy nhiên, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là một đơn vị đào tạo nằm trong ngôi trường có vị thế về đào tạo ngành khoa học xã hội và nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN), do đó người học sẽ được tiếp cận và truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng, sâu sắc về các ngành khoa học xã hội và nhân văn, những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu này sẽ là cơ sở để những nhà báo tương lai có những tác phẩm báo chí đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện (điều mà những máy móc trong thời đại 4.0 vẫn chưa thể thay thế được).

Thêm vào đó, tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành luôn được chú trọng, tạo ra những giá trị kiến thức nền tảng chắc chắn, rộng mở cho người học song hành với các kiến thức chuyên ngành về báo chí và truyền thông. Cụ thể, điều này được thể hiện rõ trong  khung 2015, khi tạo ra nhóm các học phần tự chọn. Đến khung năm 2019, nội dung này tiếp tục được điều chỉnh và thể hiện rõ nét hơn ở hai khía cạnh: Thứ nhất, các học phần tự chọn vẫn chiếm tỉ trọng nhiều, có xu hướng tăng (19,4% khung năm 2015 lên 19,7% khung năm 2019 – đây là tiền đề tạo ra khung chương trình có sự linh hoạt, giao thoa với nhiều ngành khác). Thứ hai, gia tăng các nhóm học phần tự chọn theo các nhóm định hướng để người học lựa chọn. Ví dụ: Khung năm 2015 đã  hình thành 03 nhóm các học phần tự chọn trong khối kiến thức ngành (M5)[5], thì đến khung chương trình năm 2019, ngay từ ngay từ khối kiến thức theo nhóm ngành (M4), đã mở ra các nhóm học phần tự chọn (chiếm 40% dung lượng kiến thức khối M4) là: nhóm 1: định hướng kiến thức chuyên sâu của ngành (với 04 học phần tự chọn) ; nhóm 2: định hướng kiến thức liên ngành (với 11  học phần tự chọn). Trong đó, nhóm 2 là những học phần có tính mở rộng sang các ngành gần với ngành báo chí và truyền thông như Chính trị học, Xã hội học, Ngôn ngữ học, Văn hóa học, Dân tộc học, Quản trị học… Như vậy, ngoài việc đa dạng lựa chọn các kiến thức sâu của ngành báo chí truyền thông, giờ đây, người học còn có thể mở rộng các tùy chọn sang các khối kiến thức liên ngành, tìm kiếm các tri thức nền tảng khác, phục vụ hoạt động báo chí truyền thông trong tương lai.

Kết luận

Mỗi đơn vị đào tạo đều có một sứ mệnh và tầm nhìn khác nhau, hiện thực đi kèm với đó là những khung chương trình đào tạo riêng biệt. Theo quan điểm tác giả, mỗi hướng đi, mỗi lựa chọn, đều có những giá trị ưu việt và hạn chế nhất định. Mô hình của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã và đang áp dụng chỉ là một trong số các mô hình mà tác giả cho rằng phần nào đã phần nào giải quyết được một số những vấn đề thách thức mà tác giả đề cập. Việc thay đổi, đi tìm những hướng đi trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của môi trường báo chí truyền thông hiện nay, đã và sẽ là bài toán đầy thách thức, luôn đòi hỏi các đơn vị đào tạo đi tìm lời giải.

Nguyễn Đình Hậu

Bài viết đăng hội thảo “Đổi mới đào tạo báo chí và truyền thông trong bổi cảnh hiện nay” do Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức 4/2021

Tài liệu tham khảo

Phạm Hải Chung, Máy viết báo có thay thế nhà báo, 03/11/2020, Báo điện tử Thanh niên, https://thanhnien.vn/giao-duc/may-viet-bao-co-thay-the-nha-bao-1299831.html

Minh Giảng, 2020, Trường đại học công lập đầu tiên dự kiến tuyển sinh ngành báo chí, 11/12/2020, báo điện tử Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/truong-dai-hoc-ngoai-cong-lap-dau-tien-du-kien-tuyen-sinh-nganh-bao-chi-2020121116580153.htm

Như Hương, 2020, Quy hoạch báo chí hoàn thành trong nă 2020, 06/11/2020, báo điện tử Kinh tế đô thị, http://kinhtedothi.vn/quy-hoach-bao-chi-hoan-thanh-trong-nam-2020-400976.html

Nguyễn Lê, 2020, Đặc điểm của thế hệ Z khi học tập, 13/07/2020, báo điện tử VnExpress, https://vnexpress.net/dac-diem-cua-the-he-z-khi-hoc-tap-4127805.html

Prensky, Marc (2001), Digital natives, digital immigrants part 1, On the Horion

Turner, Anthony (2015). “Generation Z: Technology And Social Interest“. Journal of Individual Psychology71 (2): 103–113. doi:10.1353/jip.2015.0021.


[1] Như Hương, 2020, Quy hoạch báo chí hoàn thành trong nă 2020, 06/11/2020, báo điện tử Kinh tế đô thị, http://kinhtedothi.vn/quy-hoach-bao-chi-hoan-thanh-trong-nam-2020-400976.html

[2] Theo “Definition of Generation Z” của Merrian-Webster,Thế hệ Z là thế hệ của những người sinh ra vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Tại Việt Nam, tính đến năm 2025, thế hệ Z sẽ chiếm khoảng 255 lực lượng lao động quốc gia (tương đương khoảng 15 triệu người)

[3] Chi tiết toàn bộ báo cáo tại đây https://www.nielsen.com/vn/vi/insights/report/2018/insight-article-generation-z-in-vietnam/

[4] Khung chương trình đào tạo báo chí 2015 hiện đang áp dụng cho sinh viên khóa Qh-2018 về trước (hiện là  năm 3 và năm 4); Khung chương trình đào tạo báo chí 2019 đã được thông qua và ban hành bắt đầu áp dụng từ khóa Qh-2019 (hiện là năm nhất và năm 2)

[5] Ba nhóm các học phần tự chọn là tự chọn 1: báo in – báo điện tử, tự chọn 2: phát thanh – truyền hình, tự chọn 3: quan hệ công chúng – quảng cáo

Bình luận về bài viết này