QUẢN TRỊ KHỦNG HOẢNG THÔNG TIN TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ BÀI TOÁN CHO CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ TẠI VIỆT NAM

1. Đặt vấn đề

Từ những hành động vô tình hay cố ý phát tán những ca nhiễm bệnh ở chỗ này, chỗ kia; hay những thông tin như chính phủ phun thuốc lên trời để chống dịch, ăn trứng để phòng ngừa virut; cho đến những thông tin gây hoang mang, hoảng loạn cho xã hội như việc loan báo có ca tử vong đầu tiên, thúc bách người dân tích trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men; cố tình xuyên tạc về tình hình dịch bệnh… đại dịch COVID-19 đã trở thành mảnh đất màu mỡ để tin giả bùng phát với quy mô chưa từng thấy, đặt ra nhiều vấn đề thách thức đối với các hoạt động thông tin trên thế giới và ở Việt Nam.

2. Khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch COVID-19

2.1 Cơ chế lan truyền của tin giả

Khi đại dịch COVID-19 chưa diễn ra, bản thân tin giả (Fake News) đã có tốc độ lan truyền nhanh gấp 6 lần các tin thật (Chris S.W., 2018).

Hiện nay, các nhà nghiên cứu thường tiếp cận từ khóa tin giả thông qua hai khái niệm chính: tin dắt mũi (disinfomation) và thông tin sai lệch (misinfomation). Theo đó, tin dắt mũi là những thông tin cố ý sai lệch với mục đích và chức năng đánh lừa đối tượng tiếp nhận thông tin (Hải Đăng, 2020). Việc định đoạt giả thật phụ thuộc rất nhiều vào việc người tiêu thụ thông tin có cơ sở để đặt nghi vấn về nội dung thông tin được truyền tải hay không. Các yếu tố này đòi hỏi thời gian và sự tham gia xử lý thông tin có chiều sâu mà không phải người tiếp nhận thông tin nào cũng sẵn sàng thực hiện. Do vậy, việc công chúng phải dành nhiều thời gian vào việc tranh luận, phân tích bối cảnh, tính xác thực và độ đáng tin của thông tin mà họ nhận được là bất khả thi. Đó là chưa kể đến việc, không phải lúc nào, bức tranh về nhiều vấn đề phức tạp cũng có thể sẵn sàng được đưa đến với họ. Thứ hai, Thông tin sai lệch là thông tin mang tính sai do lỗi sai phạm, sự tắc trách, hoặc định kiến vô thức của người đưa tin (Tin dắt mũi cũng có tính chất này, nhưng điểm khác nhau quan trọng đó là tin dắt mũi xuất phát từ chủ ý lừa lọc của đối tượng đưa tin). Tuy vậy, công chúng thông thường lại khó xác định được chủ ý này (Hải Đăng, 2020). Hậu quả của một môi trường có nhiều thông tin sai lệchtin dắt mũi là việc công chúng sẽ dèm pha, đồn thổi những hoài nghi và tin đồn theo cách không mang tính xây dựng.

Bản chất con người khi sống trong một xã hội có nhiều thông tin phức tạp là đi tìm một câu trả lời đơn giản dựa vào các thông tin tương đối dễ hiểu. Câu trả lời này khiến bộ não tạm hài lòng để có thể tiếp tục dồn năng lượng cho những vấn đề quan trọng khác. Điều này đã tạo ra ba cơ chế lan truyền mạnh mẽ của tin giả là thiên kiến, cộng đồng chia sẻ và cơ chế nghe nhiều thành đúng.

Thứ nhất, thiên kiến: khi con người tin vào một điều gì đó, thì trí óc sẽ bị thu hết đến những sự kiện và thông tin phù hợp với niềm tin đó. Từ đó ta trở nên thiếu khách quan và chỉ nhìn thấy những gì muốn thấy. Cơ chế này rất quan trọng cho sự sinh tồn, vì bộ não có thể tiết kiệm năng lượng để tập trung vào những tín hiệu quan trọng, tuy nhiên, nó lại là nguy cơ cho những tin giả lan truyền. Hiện nay, mạng xã hội và các thuật toán công nghệ đã khiến những thiên kiến dễ xuất hiện. Chỉ cần một vài lần tìm kiếm, like, chia sẻ hay comment là những post và nội dung tương tự sẽ ồ ạt kéo đến. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, những thông tin, tín hiệu xuất hiện nhiều đó chưa chắc lại là những tín hiệu đúng, mà trong thế giới ảo đó, mọi thứ có thể diễn ra như ý bạn muốn, chỉ có điều, đó không phải là thế giới thật.

Thứ hai, cộng đồng chia sẻ: Chúng ta đều biết, thời xa xưa, hình thức trừng phạt khắc nghiệt nhất không phải là cái chết mà là sự ghẻ lạnh và bị cộng đồng bỏ rơi. Trong xã hội hiện đại, các cộng đồng chia sẻ ngày càng nở rộ (Phương Mai, 2021). Niềm tin của cá nhân có thể khác với cộng đồng nơi cá nhân đó sống nhưng sẽ luôn có một hoặc nhiều cộng đồng khác cùng quan điểm (phổ biến là các cộng đồng được sinh ra trên môi trường Internet). Cảm giác xung quanh toàn những người nói giống như mình, nghĩ giống như mình, có kẻ thù hệt như mình sẽ là một nguồn năng lượng rất lớn.

Thứ ba, cơ chế nghe nhiều thành đúng: Bộ não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể, nhưng ngốn tới 20% năng lượng. Do đó, nguyên tắc làm việc của bộ não là càng ít phải nghĩ càng tốt. Vì vậy, phần lớn các hoạt động thường ngày của chúng ta được hiệu quả hóa bằng thói quen. Cá nhân nào biến cuộc sống của mình thành nhiều thói quen có lợi (ví dụ như tập thể dục, tiết kiệm tiền, nghĩ kỹ trước khi phát biểu…) sẽ có nhiều khả năng thành công hơn. Dựa trên cơ chế đó, những gì khiến ta cảm thấy thân quen sẽ vào đầu nhanh hơn và ở lại lâu hơn. Đó cũng chính là lý do một thông tin dù sai, nếu nhắc đi nhắc lại trở nên thân quen thì cũng trở thành một thông tin đúng.

2.2 Mảnh đất “màu mỡ” đại dịch COVID-19

Cơ chế lan truyền trên khi có thêm những yếu tố lây lan nhanh, ảnh hưởng, tác động khẩn cấp tới toàn cầu của đại dịch COVID-19 đã làm cho vấn đề khủng hoảng thông tin do tin giả càng trở nên nghiêm trọng. Chính vì thế, ngay sau khi tổ chức thế giới WHO tuyên bố dịch bệnh nCoV xảy ra tại Trung Quốc và các các trường hợp mắc virus này tại các quốc gia khác là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (công bố ngày 31/1/2020) thì WHO cũng lập tức mở chiến dịch chống tin giả về nCov.

Sự kiện tin giả thu hút nhiều nghiên cứu hiện nay là hiện tượng chống tiêm vaccine toàn cầu. Trong một nghiên cứu được xuất bản trên tờ Harvard Misinformation Review, nhóm nghiên cứu tại trường University of Pennsylvania (Mỹ) và trường Simon Fraser (Canada) khảo sát gần 2,500 người Mỹ, đã đưa ra kết quả thông tin sai lệch về những tác hại của vaccine là khá phổ biến, trong đó 18% người khảo sát tin rằng vaccine có thể gây ra chứng tự kỉ, 15% tin rằng vaccine chứa độc tố, 20% tin rằng cha mẹ có thể tuỳ ý lựa chọn thời điểm tiêm chủng vaccine mà không dựa trên hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, và 19% tin rằng miễn dịch do nhiễm bệnh tốt hơn miễn dịch do tiêm chủng vaccine. Các thông tin này hoàn toàn sai và không có căn cứ khoa học (Hải Đăng, 2020). Một nghiên cứu khác của các nhà kinh tế Đại học Kingston (Anh) cho thấy, hơn 60% số lượng tin giả về các vấn đề sức khỏe lan truyền trên nền tảng Internet được cho là đáng tin cậy, và niềm tin vào những câu chuyện này tiếp tục tăng lên nếu chúng được lặp đi lặp lại (Mỹ Hạnh, 2019).

Lý giải điều này là do hầu hết công chúng thường không có kiến thức chuyên môn về y khoa, do đó, với bản chất thiên kiến cá nhân, nếu những thông tin được đưa ra dưới một hình thức trông có vẻ hợp lý, thì công chúng rất dễ dàng tin vào điều đó. Kết hợp với cơ chế nghe nhiều thành đúng thì mức độ niềm tin này ngày càng gia tăng theo số lần nó được lặp lại, và cứ như thế càng nhìn thấy điều gì nhiều thì mọi người lại càng tin.

Nhóm nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Cao cấp IMT, Đại học Sapienza, và Đại học Boston (Mỹ) cho thấy, người tiêu thụ và chia sẻ các thuyết âm mưu trên Facebook thường lan truyền các thông tin sai về dịch bệnh COVID-19 với người có cùng sở thích và thế giới quan mang tính đồng điệu với các thuyết âm mưu, và phớt lờ toàn bộ các thông tin trái chiều khác (Hải Đăng, 2020). Điều này củng cố thêm cho quan điểm “công chúng đều biết và số đông thừa nhận các tin tức trên mạng xã hội không đáng tin, nhưng ngược lại, xu hướng lấy tin trên mạng xã hội và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi mạng xã hội vẫn diễn ra” (Mỹ Hạnh, 2019).

Nghiên cứu gần đây về COVID-19, nạn nhân tin của tin giả tập trung cao ở nhóm đọc tin trên mạng xã hội (Aengus B., 2020). Nếu bạn có thói quen mở Facebook và đọc tin mỗi ngày, bạn sẽ thuộc về 66% dân số có khả năng bị tin giả qua mặt. Kể cả khi các trang tin có uy tín xuất hiện trên Facebook, chúng cũng bị nuốt chửng bởi tần số và cường độ tin giả chia sẻ bởi bạn bè, gia đình và các trang không kiểm chứng. Theo cơ chế của thiên kiến nghe nhiều thành đúng, bạn sẽ trở thành nạn nhân của tin giả. Giải pháp đơn giản nhất để ngăn chặn cơ chế trên và có thể làm ngay được là “cá nhân ngưng đọc tin trên Facebook” (Phương Mai, 2021). Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, với xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của mạng xã hội này thì vấn đề này dường như là khó thực hiện.

3. Các cơ quan báo chí Việt Nam đang “chậm chân”

Trên thế giới, tháng 2/2021, mạng xã hội Facebook tuyên bố sẽ mạnh tay hơn để loại bỏ những thông tin sai lệch trên nền tảng của mình thông qua việc xóa các nhóm, tài khoản và trang Instagram liên tục phát tán thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19 (Hiếu Trung, 2021). Cùng thời điểm đó, mạng xã hội Twitter cũng tham gia vào cuộc chiến chống tin giả. Theo đó, Twitter triển khai hàng loạt các hoạt động như: Ra mắt chương trình Birdwatch chống tin giả (Hiếu Trung (2), 2021); Triển khai hệ thống cho phép dán nhãn tới dần loại bỏ những người có dấu hiệu vi phạm nhiều lần (tối đa 5 lần) khi thực hiện những nội dung sai lệch (Lê Ánh, 2021); Hợp tác với các hãng tin AP (Mỹ) và Reuters (Anh) để nhanh chóng cung cấp thông tin đáng tin cậy trên mạng xã hội khi xảy ra các sự kiện, tin tức nóng (Ngọc Ánh, 2021).

Nền tảng mạng xã hội video toàn cầu Youtube, mới đây (9/2021) cũng tiếp tục mở rộng lệnh cấm thông tin giả được đưa ra từ năm ngoái. Theo đó, Youtube sẽ gỡ bỏ các thông tin sai sự thật về tất cả các loại vaccine đã được cấp phép, mở rộng lệnh cấm những thông tin sai sự thật về vaccine phòng COVID-19. Các video đề cập các nội dung bị gỡ bỏ như: các loại vaccine đã được phê chuẩn là nguy hiểm, gây bệnh tự kỷ, ung thư, vô sinh. Từ năm ngoái đến nay, Youtube đã gỡ bỏ 130.000 video lan truyền sai sự thật về vaccine COVID-19 ra khỏi nền tảng của mình.

Tại Việt Nam, cuộc chiến chống các sản phẩm giả mạo cũng đang diễn ra quyết liệt. Tính đến đến 3/2020, lực lượng chức năng Việt Nam đã xác minh và làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật về COVID-19, xử phạt hành chính hơn 140 người. Tháng 1/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thành lập Trung tâm xử lý tin giả và Cổng thông tin tiếp nhận, phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện tin giả có thể thông báo qua đường dây nóng, trực tuyến qua website, sau khi tiếp nhận, xử lý những tin sai sự thật sẽ được dán nhãn, công bố tại địa chỉ tingia.gov.vn (Quang Minh, 2021).

Về phía các cơ quan báo chí Việt Nam, câu chuyện tin giả là vấn đề được nhiều cơ quan báo chí đề cập, tuy nhiên, việc triển khai hành động đối nội dung này dường như đang chậm chân so với sự phát triển mạnh mẽ của tin giả. Cụ thể, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được coi là cơ quan báo chí đầu tiên trong việc khởi động Dự án “Cuộc chống tin giả – Những ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả”. Dự án khởi động từ năm 2019 với các hoạt động: Triển khai kênh thông tin Factcheckvn trên nền tảng Tiktok của Thông tấn xã Việt Nam; Triển khai nội dung Fact-check; Dự án nói không với Fake News.

Hai năm sau (2021), Báo Nhân dân điện tử mới mở chuyên mục Kiểm chứng thông tin (Fact-check) ngay trang nhất của mình. Theo đó, tờ báo sẽ đưa trang báo của mình những sản phẩm sai sự thật đang lan truyền, có nguy cơ ảnh hưởng đến cộng đồng. Kết cấu của các sản phẩm này gồm ba phần: phần đầu là Thông tin lan truyền – thời gian, không gian của sự lan truyền,  thông tin là sai sự thật đang được lan truyền; thứ hai là Kiểm chứng – những nguồn thông tin chứng minh thông tin lan truyền trên; và phần thứ ba là Khẳng định – lời khẳng định của tòa soạn về thông tin lan truyền đưa ra là sai sự thật.

Các dự án Fact-check ở của TTXVN, báo Nhân dân điện tử mới chỉ triển khai theo hướng thủ công, dựa trên sức lao động của đội ngũ nhân sự. Điều này đặt ra vấn đề thách thức về con người, phải là những cơ quan báo chí có lực lượng phóng viên, cộng tác viên lớn thì mới có thể triển khai kiểm chứng thông tin kiểu này được. Thêm vào đó, nội dung tin giả và cách làm tin giả ngày càng tinh vi, số lượng phát tán ngày càng nhiều, nên đây là giai đoạn bước đầu, trong tương lai, nếu không có công nghệ phát hiện tin giả bằng trí tuệ nhân tạo để phát hiện ở quy mô và số lượng lớn thì không thể ngăn chặn ở giai đoạn ban đầu.

Ngoài hai cơ quan báo chí trên, các cơ quan báo chí khác tại Việt Nam chưa có những giải pháp cụ thể chung tay vào công cuộc ngăn chặn tin giả. Trong khi đó, trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của nạn tin giả, ngày 2/22021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị 05/CT-BTTTT, về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Chỉ thị yêu cầu toàn ngành thông tin và truyền thông xác định công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện sâu rộng, có hiệu quả nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch (Đông Á, 2020).

4. Kết luận

Xu hướng liên kết, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam những cơ hội phát triển, song cũng đặt ra những khó khăn, thách thức mới, đặc biệt nạn tin giả, tiềm ẩn nhiều rủi ro và đe dọa đến trận tự an ninh xã hội.

Ngắt kết nối Internet, đóng cửa mạng xã hội để giảm nguy cơ phát tán tin giả là điều không thể xảy ra và đi ngược lại với xu hướng phát triển cũng như nhu cầu tiếp nhận các sản phẩm thông tin của công chúng. Thuật ngữ đại dịch thông tin mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra phần nào thể hiện những người dùng thông thái cũng khó miễn nhiễm và thoát khỏi bẫy của tin giả. Là nhóm cung cấp thông tin chính thống, chủ động, quan trọng, các cơ quan báo chí Việt Nam là cần sớm có những hành động cụ thể để ngăn ngừa việc làm giả. Bước đầu có thể là chung tay triển khai những chuyên mục Fact-check để phát hiện các tin giả nguy hại, tăng cường những thông tin đính chính chính thống, dần sau đó, phối hợp với các đơn vị về công nghệ, xây dựng dự án để có những bước đi dài hơi trong tương lai. Thực tế chứng minh, không có một giải pháp nào khả thi nếu đứng riêng lẻ, vì vậy, việc chung tay của các cơ quan báo chí sẽ góp phần thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ đó đạt được những hiệu quả cao nhất, vừa đảm bảo ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực, vừa phát huy mặt tích cực trong bối cảnh truyền thông hiện nay.

Nguyễn Đình Hậu

Bài viết đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế “Quản trị khủng hoảng thông tin trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, do Học Viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Quỹ KOICA, báo Nhân dân tổ chức, tháng 11/2021, tr. 70-77

Tài liệu tham khảo

  1. Đông Á, 2020, Ngăn chặn nạn tin giả trước nguy cơ dịch bệnh, địa chỉ truy cập: https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/ngan-chan-nan-tin-gia-truoc-nguy-co-dich-benh-473149/, truy cập ngày 15/102/2021
  2. Lê Ánh, 2021, Twitter chặn người dùng liên tục đăng tin sai lệch về vaccine, địa chỉ truy cập: https://baotintuc.vn/the-gioi/twitter-chan-nguoi-dung-lien-tuc-dang-tin-sai-lech-ve-vaccine-20210302190942674.htm, truy cập ngày 29/9/2021
  3. Ngọc Ánh P., 2021, Twitter hợp tác với các hãng tin AP, Reuters để ngăn chặn thông tin sai lệch, địa chỉ truy cập: https://baotintuc.vn/the-gioi/twitter-hop-tac-voi-cac-hang-tin-ap-reuters-de-ngan-chan-thong-tin-sai-lech-20210803092739051.htm, truy cập ngày 29/9/2021
  4. Hải Đăng N. H., 2020, Tin giả: Không dễ định nghĩa, Tạp chí Tia sáng điện tử, địa chỉ truy cập: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Tin-gia-Khong-de-dinh-nghia-24187, Truy cập ngày 15/10/2021
  5. Mỹ Hạnh, 2019, Hơn một nửa tin giả về sức khỏe lan truyền trên mạng được công chúng tin là thật, Tạp chí Tia sáng điện tử, địa chỉ truy cập: https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Hon-mot-nua-tin-gia-ve-suc-khoe-lan-truyen-tren-mang-duoc-cong-chung-tin-la-that-20824, truy cập ngày 13/10/2021
  6. Phương Mai N., 2021, Vì sao thuyết âm mưu, fake news lại tồn tại, địa chỉ truy cập: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55764874, truy cập ngày 12/102/2021
  7. Quang Minh,2021, Khai trương Trung tâm xử lý tin giả, địa chỉ truy cập: https://nhandan.vn/baothoinay-dothi/khai-truong-trung-tam-xu-ly-tin-gia-631874/, truy cập ngày 25/9/2021
  8. Hiếu Trung, 2021, Facebook, Instagram cấm các tài khoản tung tin giả về covid 19, địa chỉ truy cập: https://thanhnien.vn/facebook-instagram-cam-cac-tai-khoan-tung-tin-gia-ve-covid-19-post1036822.html, truy cập ngày 28/9/2021
  9. Hiếu Trung (2), 2021, Twitter ra mắt chương trình Birdwwatch chống tin giả, địa chỉ truy cập: https://thanhnien.vn/twitter-ra-mat-chuong-trinh-birdwatch-chong-tin-gia-post1032320.html, truy cập ngày 28/9/2021
  10. Aengus B. và cộng sự, 2020, Nguyên nhân và hậu quả của ngộ nhận COVID-19: Hiểu được vai trò của tin tức và mạng xã hội (The causes and consequences of COVID-19 misperceptions: Understanding the role of news and social media), địa chỉ truy cập: https://misinforeview.hks.harvard.edu/article/the-causes-and-consequences-of-covid-19-misperceptions-understanding-the-role-of-news-and-social-media/, truy cập ngày 15/10/2021
  11. Chris S.W., 2018, Tin giả truyền đi nhanh hơn sáu lần so với tin thật trên Twitter (Fake news travels six times faster than the truth on Twitter), địa chỉ truy cập https://www.newscientist.com/article/2163226-fake-news-travels-six-times-faster-than-the-truth-on-twitter/, truy cập ngày 13/10/2021

Bình luận về bài viết này