THƯƠNG HIỆU TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM TRƯỚC VẤN NẠN TIN GIẢ

[Mục lục]
I. MỞ ĐẦU
1. Sức nặng của ngôn ngữ truyền hinh
2. Sơ lược về các nghiên cứu thương hiệu truyền hình trước vấn nạn tin giả
II. PHƯƠNG PHÁP
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
1. Thương hiệu truyền hình thường xuyên bị làm giả
2. Thương hiệu truyền hình chưa mạnh tay ngăn chặn
IV. KẾT LUẬN

[Tóm tắt]

Trước vấn nạn tin giả, báo chí chính thống, đặc biệt là truyền hình, với sức mạnh của ngôn ngữ tích hợp khả năng nghe nhìn, được coi là một nhân tố có vai trò quan trọng, chủ động trong công cuộc ngăn chặn vấn nạn. Tuy nhiên, thực tế khảo cứu lại cho thấy, các thương hiệu truyền hình Việt Nam hiện nay, mặc dù thường xuyên bị làm giả nhưng lại khá chậm và không có những hành động mang tính chất bài bản để ngăn chặn điều này.

Ở một khía cạnh khác, với sự hỗ trợ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tin giả các sản phẩm truyền hình ngày càng có xu hướng phổ biến hơn, dễ dàng để tạo hơn, giả một cách tinh vi hơn và khó nhận diện hơn. Điều này đặt ra những bài toán thách thức ngày càng to lớn cho các thương hiệu truyền hình Việt Nam trong tương lai.

Từ phân tích một số dự án chống tin giả của một số cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay, kết hợp với các luận điểm đã có, bài viết phần nào đưa ra những gợi ý cho thương hiệu truyền hình trước vấn nạn tin giả hiện nay.

Từ khóa: Tin giả, tin giả truyền hình, ngăn chặn tin giả, thương hiệu truyền hình, deepfake, kiểm chứng thông tin

I. MỞ ĐẦU

Với sự hỗ trợ của công nghệ, công chúng ngày nay dễ dàng tạo, chỉnh sửa và phát sóng các sản phẩm truyền hình. Đặc biệt là khả năng chỉnh sửa, can thiệp vào các sản phẩm truyền hình do các cơ quan báo chí truyền hình tạo ra. Điều này làm ảnh hưởng và đặt ra bài toán thách thức cho hoạt động của các cơ quan báo chí thế giới nói chung và các thương hiệu truyền hình tại Việt Nam nói riêng.

1. Sức nặng của ngôn ngữ và thương hiệu truyền hình

Nhìn vào lịch sử phát triển, mắt của các loài động vật có xương sống tiến hóa cách đây khoảng 500 tỷ năm trước, là lâu hơn rất nhiều so với lịch sử 50 nghìn năm trước của lời nói. Các bản vẽ hang động đầu tiên có niên đại 30 nhìn năm, so với hệ thống chữ viết sớm nhất khoảng 5 nghìn năm trước (Grabe & Bucy, 2009). Những phương thức giao tiếp truyền thông cổ xưa này cho phép chúng ta thấy tầm quan trọng của hình ảnh trong truyền thông.

Khi xem xét khía cạnh nổi bật của ngôn ngữ tích hợp nghe nhìn, theo mô hình lý thuyết của Geise và Baden, trong quá trình truyền tải thông điệp của mình đến với công chúng, ngôn ngữ này thể hiện khả năng vượt trội hơn: Một là, việc thể hiện bằng hình ảnh động và âm thanh song hành sẽ cuốn hút người xem hơn khi thể hiện dòng chảy thông tin (De Vreese, 2005); Hai là, các sản phẩm nghe nhìn thể hiện ưu thế hơn trong việc thu hút, lôi cuốn công chúng lựa chọn đến với tác phẩm (Geise & Baden, 2015).

Các ngôn ngữ về mặt văn bản, với những cấu trúc câu từ được lựa chọn kỹ lưỡng, đòi hỏi việc giải mã các thông điệp phải tập trung hơn (Geise & Baden, 2015). Việc giải mã này cũng tương tự như đối với các hình ảnh tĩnh, khi tiếp nhận các hình ảnh tĩnh, công chúng đòi hỏi sự chú ý, sự tưởng tượng và nỗ lực xử lý thông điệp nhiều hơn so với ngôn ngữ tích hợp nghe nhìn (Messaris & Abraham, 2001). Trong khi với ngôn ngữ tích hợp nghe nhìn, việc tiếp nhận các thông tin của người học thông qua các việc đan xen các video diễn ra rất nhanh chóng và toàn diện. Việc bổ sung hình ảnh động kết hợp với âm thanh không gây gánh nặng cho quá trình xử lý thông tin mà còn có lợi cho người học trong việc tiếp thu kiến thức khi học (Severin, 1967).

Thực tế, dễ dàng nhận thấy, các sản phẩm tích hợp ngôn ngữ nghe nhìn thể hiện ưu thế khi truyền tải thông điệp bởi tính trực quan của nó. Một video dài 10 giây thường chứa hàng trăm hình ảnh tĩnh được hệ thống hợp nhất lại thành một chuyển động liên tục. Bộ não con người được tinh chỉnh để nhận biết các kích thích chuyển động, đặc biệt là của người khác, nhằm cung cấp manh mối cho các tương tác xã hội và ra quyết định (van Driel, 2016). Hơn nữa, sự sống động của một video phản chiếu trải nghiệm trực tiếp (Grabe & Bucy, 2009), một thứ đã được chứng minh là cải thiện sự chú ý và trí nhớ của truyền thông, gợi lên những phản ứng về mặt cảm xúc và có tính thuyết phục(Blondé  & Girandola, 2016).

Với ưu thế như vậy, các sản phẩm truyền thông được thể hiện thông qua ngôn ngữ nghe nhìn kết hợp luôn thể hiện tính ưu việt trong quá trình truyền tải thông tin. Như câu dân gian Việt Nam đã nói “trăm nghe không bằng một thấy”, sự thấy luôn tạo ra sức mạnh trong các thông điệp. Với đặc điểm này, các sản phẩm truyền hình và sản phẩm truyền hình do các thương hiệu truyền hình tạo ra sẽ có sức nặng trong các thông điệp truyền tải đến với công chúng.

2. Sơ lược về các nghiên cứu thương hiệu truyền hình trước vấn nạn tin giả

Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu nào tiến hành khảo sát, đánh giá thương hiệu truyền hình Việt Nam trước vấn nạn tin giả. Tuy nhiên, nếu mở rộng từ khóa, coi tin giả là đối tượng, nền tảng truyền hình là trường hợp cụ thể nghiên cứu thì khá phong phú các nghiên cứu. Một số nghiên cứu có thể kể đến theo hướng tiếp cận này như: Nghiên cứu của Kristina L. Zuykina và Daria V. Sokolova (Đại học Tổng hợp Lomonosov, Nga) mang tên “Content Specifics of Russian Fake News on the Internet and on Television” (tạm dịch Những dạng giả mạo tin tức trên Internet và Truyền hình tại Nga). Nghiên cứu này đã xem xét nội dung và chỉ ra một số dạng giả mạo trên môi trường Internet và truyền hình tại Nga. Từ 22 mẩu tin giả được lan truyền trên môi trường trực tuyến (có lượng truy cập trung bình khoảng 1 triệu người), nghiên cứu đã đưa ra những dạng thức phổ biến mà tin giả bắt chước để giống tin thật và lan truyền (Kristina & Daria, 2019).

Hay nghiên cứu của Stephen Harrington mang tên From the “Little Aussie Bleeder” to Newstopia: (Really) Fake News in Australia”, tạm dịch Từ “Little Aussie Bleeder” đến Newstopia: Góc nhìn tin tức giả mạo tại Úc (Stephen Harrington, 2012). Bài viết cung cấp một góc nhìn tổng quan về các đặc điểm chính của tin giả trong bối cảnh quốc gia Úc, thông qua hai chương trình truyền hình hài, châm biếm The Norman Gunston Show và Newstopia. Bài viết đưa ra quan điểm, tại Úc, bên cạnh nhu cầu lớn từ với các tin tức thật được chuyển thành các tin giả theo phong cách châm biếm, chế nhạo thì những sản phẩm tin giả kiểu này cũng phần nào giúp công chúng hiểu về các yếu tô khung, chi phối đến các nội dung của tin tức trên truyền hình thật.

Một nghiên cứu khác cũng nên đề cập tới là của Rodica M. Sutu mang tên “Fake News, from Social Media to Television: Case Study of the Romanian Presidential Elections 2019”, tạm dịch: Tin tức giả mạo, từ mạng xã hội đến truyền hình: Nghiên cứu trường hợp cuộc bầu cử Tổng thống Romania năm 2019 (Rodica, 2019). Theo đó, tin giả không còn là một khái niệm mới, nó đã trở thành tâm điểm gây chú ý cho truyền thông, chính trị, cộng đồng nghiên cứu và công chúng. Thông qua nghiên cứu trường hợp cuộc bầu cử Tổng thống Romania năm 2019, bài viết đã đưa ra luận điểm cả phương tiện truyền thông mạng xã hội và báo chí chính thống đều đóng góp vào việc sản xuất, phổ biến các sản phẩm tin tức sai sự thật.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu cũng có thiên hướng chung theo một số nghiên cứu đã nói ở trên. Như vậy, từ khóa truyền hình trong mối tương quan với tin giả không phải là mới, tuy nhiên các nghiên cứu đặt bài toán thương hiệu truyền hình trước vấn nạn tin giả lại chưa có. Do đó, hướng nghiên cứu này vẫn có những đóng góp nhất định đối với định hướng phát triển của truyền hình Việt Nam trong tương lai.

II. PHƯƠNG PHÁP

Trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng các công cụ tìm kiếm và lọc ra một số trường hợp là những sản phẩm video tin giả, khai thác các thương hiệu truyền hình để lan truyền và phát tán trên các nền tảng của Internet. Những sản phẩm được chọn đã có một chu trình lan truyền rộng, gây ảnh hưởng đến công chúng và các thương hiệu truyền hình.

Công trình cũng mở rộng nghiên cứu những xu hướng công nghệ có mối quan hệ với truyền hình, từ đó đánh giá sự đe doạ của công nghệ đến tương lai vấn nạn tin giả và tác động của nó đối với thương hiệu truyền hình.

Để có một góc nhìn so sánh với các cơ quan báo chí khác tại Việt Nam, công trình nghiên cứu tiến hành có khảo cứu và phân tích hai dự án ngăn chặn tin giả khác của hai cơ quan báo chí tại Việt Nam là Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân dân. Việc so sánh hành động của các cơ quan thông tấn này với các thương hiệu truyền hình để thấy được vị trí của các thương hiệu truyền hình trước vấn nạn tin giả và những bài học kinh nghiệm để các thương hiệu truyền hình học hỏi trong tương lai khi triển khai các dự án ngăn chặn tin giả.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

1. Thương hiệu truyền hình thường xuyên bị làm giả

Do có quá nhiều ưu thế trong môi trường truyền thông, kết hợp với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các sản phẩm của truyền hình đang là những sản phẩm bị tấn công và liên tục làm giả.

Trên thế giới, từ những đoạn video gốc được quay bởi hãng truyền thông CNN và một số đoạn video do người dân chứng kiến sự việc diễn ra tại thủ đô Beirut, Liban vào khoảng tháng 8/2020, các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Youtube và Tiktok đã chỉnh sửa, cắt ghép và lan truyền hàng loạt các video thông tin giả (Đại Việt, 2020). Mặc dù một số những video làm giả tin tức diễn ra tại thủ đô Beirut đã được dán nhãn thông tin sai lệch, nhưng lượng xem và chia sẻ những video này vẫn rất lớn.

 Tại Việt Nam, thương hiệu truyền hình cũng thường xuyên bị lợi dụng, phát tán tin giả.Trường hợp Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam (VTV) là một điển hình liên tục bị làm giả. Trong chương trình “Việt Nam hôm nay” của kênh VTV1, đăng tải ngày 29/7/2019, người dẫn chương trình hôm đó đã dẫn kết nội dung:“Đây không phải là lần đầu tiên những video làm giả này tràn lan trên mạng xã hội” [2]. Phần kết này đưa ra sau khi họ đề cập trường hợp người dẫn chương trình của họ bị cắt ghép, chỉnh sửa vào video nói về phương pháp giảm cân an toàn, hiệu quả của một trang Facebook Vườn trà Sunie.

          Một chương trình khác là “Chuyển động 24h” trong số phát sóng ngày 7/5/2020 cũng nói:“Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những clip, hình ảnh của chương trình Chuyển động 24h nhưng nội dung là bị xuyên tạc, bóp méo, thậm chí là phát tán những thông tin giả, sai sự thật”[3]. Chương trình lấy ví dụ rất nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook, Youtube đã giả mạo, cắt ghép và lan truyền phóng sự làm giả phóng sự “Phiền toái từ những chiếc loa phát thanh” do VTV24 sản xuất. Những sản phẩm giả này đã thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận, và quan trọng là nhiều người không biết rằng họ đang tiếp tay cho các đối tượng làm giả.

Hay phóng sự gắn mác VTV1, dài hơn 5 phút lan truyền trên mạng xã hội nói về một cơ sở đông y có bài thuốc chữa khỏi hoàn toàn các bệnh gút, xương khớp thu hút hơn 1,6 triệu lượt xem, hơn 4000 bình luận và hàng chục ngàn chia sẻ (Phúc Nghệ, 2018). Thậm chí còn có những phóng sự giả mạo VTV, tạo dựng một ê kíp với đầy đủ thành phần như thật và đã khiến không ít người xem lần tưởng đó là phóng sự của VTV. Sau khi các bộ phận chức năng đi kiểm chứng thì xác định đây là những sản phẩm làm giả, trái phép.

Hoặc trường hợp bản tin có gắn logo và hình ảnh người dẫn chương trình của VTV1 mà nhóm lừa đảo bán sản phẩm Thanh Trĩ Khang và Phúc Trĩ An thực hiện. Theo đó, bản tin gốc do VTV1 phát sóng diễn ra cách đây hơn một năm là hội thảo nghiệm thu đề tài khoa học của một viện y học cùng một trường đại học với nội dung đánh giá việc nghiên cứu lâm sàng tác dụng chữa bệnh đại tràng từ cây ngải tiên. Tuy nhiên, nhóm lừa đảo đã chỉnh sửa, cắt ghép nội dung chữa đại tràng thành chữa bệnh trĩ trên trang quảng cáo của mình cùng với hình ảnh phát thanh viên truyền hình. Với cách giả mạo, cắt ghép video có sử dụng hình ảnh VTV như vậy, nhóm đối tượng lừa đảo đã mượn thương hiệu VTV để lừa đảo bệnh nhân (Minh Anh, 2019).

Thống kê của Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ công an, tại Việt Nam, năm 2020 có trên 54.000 video vi phạm thường xuyên phát tán tin giả, có ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội (Nguyễn Ngọc Cương, 2021).

Cách làm phổ biến của việc làm giả này là dùng phần mềm, cắt ghép, dán các mẫu quảng cáo sản phẩm liên quan lĩnh vực sản phẩm thuốc, chăm sóc sức khỏe vào các sản phẩm đã phát sóng của VTV hay các cơ quan truyền hình có uy tín. Sau đó đưa lên các trang mạng xã hội để đạt được mục đích lừa lấy niềm tin của công chúng để có doanh thu.

Trên thực tế, các thương hiệu truyền hình có chương trình quảng cáo để quảng bá các sản phẩm, thông tin doanh nghiệp, tuy nhiên, mức chi phí để xuất hiện trên các chương trình truyền hình lại không phù hợp với phần lớn sản phẩm của các cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ[4]. Trong khi đó, các chế tài xử lý vi phạm những tin giả này lại chủ yếu là phạt hành chính, mức phạt so với chi phí quảng cáo phải bỏ ra quá thấp, do đó, tình trạng vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra. Cụ thể, mức phạt hành chính theo Điều 18, Nghị định 131/2013/ND-CP đối với việc vi phạm Điều 25, Điều 26, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2019) [5] về Vấn đề bản quyền với cá nhân, công ty chỉ là 15 tới 35 triệu đồng – mức này chỉ bằng khoảng 2-3 lần chạy một đoạn quảng dài khoảng 15-30 giây trong một chương trình bình thường, trên sóng truyền hình Việt Nam. Thêm vào đó, việc tuân theo quy định pháp luật để có đáp ứng quy trình xử lý của các cơ quan chức năng sẽ làm các thương hiệu truyền hình tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức. Điều này làm cho tình trạng vi phạm thương hiệu truyền hình ngày càng tăng và nghiêm trọng.

2. Thương hiệu truyền hình Việt Nam chưa mạnh tay ngăn chặn

Theo thống kê, hiện nay, chưa có đài truyền hình nào tại Việt Nam có các hành động đủ lớn, mang tính dài hơi, dựa trên các nền tảng vốn có là các thông điệp truyền thông của mình để ngăn chặn vấn đề này. Như phân tích ở trên, cách mà các thương hiệu truyền hình Việt Nam đang thực hiện với việc tin giả lợi dụng thương hiệu của mình đang nhỏ lẻ, manh mún theo sự việc. Cách làm này có đặc điểm chung là xuất hiện khá muộn sau khi những tin giả đã lan truyền rộng rãi và gây ra những ảnh hưởng đến cộng đồng. Chưa kể, khi đề cập đến giải pháp, cách mà các thương hiệu truyền hình đề cập lại là đưa trách nhiệm về công chúng, để công chúng tự phản hồi với các nền tảng mảng xã hội. Điều này phần nào thể hiện việc các thương hiệu chưa có những hành động tương ứng với quy mô, vị thế của thương hiệu.

Ở khía cạnh khác, tại Việt Nam, cuộc chiến chống các sản phẩm giả mạo cũng đang diễn ra quyết liệt. Tính đến đến 3/2020, lực lượng chức năng Việt Nam đã xác minh và làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật, xử phạt hành chính hơn 140 người. Tháng 1/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thành lập Trung tâm xử lý tin giả và Cổng thông tin tiếp nhận, phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện tin giả có thể thông báo qua đường dây nóng, trực tuyến qua website, sau khi tiếp nhận, xử lý những tin sai sự thật sẽ được dán nhãn, công bố tại địa chỉ tingia.gov.vn (Quang Minh, 2021). Bên cạnh diễn biến phức tạp và nguy hiểm của nạn tin giả, ngày 2/22021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị 05/CT-BTTTT Về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Chỉ thị yêu cầu toàn ngành thông tin và truyền thông xác định công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện sâu rộng, có hiệu quả nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, các thương hiệu truyền hình cũng chưa có hành động cụ thể vào nội dung này.

Về phía các cơ quan báo chí Việt Nam, ngăn chặn tin giả là vấn đề được các quan báo chí đề cập và triển khai hành độn. Cụ thể, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) được coi là cơ quan báo chí đầu tiên trong việc khởi động Dự án “Cuộc chống tin giả – Những ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả[6]. Dự án khởi động từ năm 2019 với các hoạt động: Triển khai kênh thông tin Factcheckvn trên nền tảng Tiktok của Thông tấn xã Việt Nam[7]; Triển khai nội dung Fact-check[8]; Dự án nói không với Fake News[9].

Năm 2021, Báo Nhân dân điện tử[10] cũng chuyên mục Kiểm chứng thông tin[11] (Fact-check) ngay trang nhất của mình. Theo đó, tờ báo sẽ đưa trang báo của mình những sản phẩm sai sự thật đang lan truyền, có nguy cơ ảnh hưởng đến cộng đồng. Kết cấu của các sản phẩm này gồm ba phần: phần đầu là Thông tin lan truyền – thời gian, không gian của sự lan truyền,  thông tin là sai sự thật đang dược lan truyền; thứ hai là Kiểm chứng – những nguồn thông tin  chứng minh thông tin lan truyền trên; và phần thứ ba là Khẳng định – lời khẳng định của tòa soạn về thông tin lan truyền đưa ra là sai sự thật.

Tuy nhiên, các dự án Fact-check ở của TTXVN, báo Nhân dân điện tử mới chỉ triển khai theo hướng Fact-check thủ công, dựa trên sức lao động của đội ngũ nhân sự. Điều này đặt ra vấn đề  thách thức về con người, phải là những cơ quan báo chí có lực lượng phóng viên, cộng tác viên lớn thì mới có thể Fact-check được, bởi không phải nội dung nào cần Fact-check nó cũng xảy ra ở khu trung tâm của dư luận. Thêm vào đó, nội dung tin giả và cách làm tin giả ngày càng tinh vi. Số lượng phát tán ngày càng nhiều. Nên đây là giai đoạn bước đầu, trong tương lai, nếu không có công nghệ phát hiện tin giả bằng trí tuệ nhân tạo để phát hiện ở quy mô lớn và số lượng lớn thì không thể ngăn chặn ở giai đoạn ban đầu.

Sản phẩm truyền hình với những ưu thế trong truyền tải thông điệp, khi bị làm giả sẽ tạo ra tác động mạnh mẽ đến người dùng. Tuy nhiên, thực tế, chưa có thương hiệu, đài truyền hình nào tại Việt Nam triển khai các hành động cụ thể để ngăn ngừa tin giả. Kết quả đã có rất nhiều những video giả, dưới danh nghĩa của đài truyền hình, sau khi phát tán và ảnh hưởng tới hàng triệu người xem mới có thông điệp đưa. Công nghệ Deepfake là một cảnh báo cho một tương lai, khi cách làm giả các sản phẩm nghe nhìn ngày càng dễ, số lượng giả ngày càng nhiều thì việc chậm chân trong các giải pháp ngừa tin giả sẽ ảnh hưởng lớn tới các thương hiệu và sản phẩm truyền hình.

3. Deepfake và tương lai vấn nạn tin giả truyền hình

Tháng 7/2017, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) đã trở nên nổi tiếng vì độ chân thật khi công bố một video làm giả (theo công nghệ Deepfake) về cựu tổng thống Barack Obama. Việc làm giả này dễ dàng chỉ bằng những cú nhấn chuột bởi vì trong 8 năm làm Tổng thống, mọi biểu cảm gương mặt và môi của ông Obama đều có thể được tìm thấy trên mạng. Trường hợp khác, tháng 11/2020 khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến giai đoạn nước rút. Một ứng cử viên tổng thống xuất hiện trên mạng xã hội với những lời lẽ cực đoan về phân biệt chủng tộc đã khiến nhiều cử tri phẫn nộ, mặc dù đó chỉ là một video giả nhờ công nghệ. Tiếp đến là ông chủ Facebook – Mark Zuckerberg, CEO của Tesla – Elon Musk, cựu Tổng thống Mỹ – Donal Trump… đều từng là nạn nhân bị làm giả bởi công nghệ Deepfake.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo, Deepfake có thể tạo ra những video giả với độ chân thật gần như tuyệt đối. Trong bối cảnh các nước đang phải chật vật với tin giả (Fake news), sự phát triển của Deepfake khiến cuộc chiến này càng thêm khó khăn. Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ đã xếp video được làm giả dựa trên công nghệ Deepfake vào 1 trong 5 nguy cơ gây mất an ninh toàn cầu năm 2019. Không dừng lại ở đó, ngày nay, điều người ta lo lắng hơn cả là công cụ sản xuất Deepfake ngày càng đơn giản. Bất kỳ ai với một chút hiểu biết về Internet cũng có thể làm Deepfake: “Không cần tới studio làm phim bom tấn, không cần thuê diễn viên. Chỉ với Bigdata, AI, Deepfake có thể làm rung chuyển cả Hollywood và thay đổi ngành điện ảnh” (Khương Nha, 2019).

Tại Việt Nam, hiện nay, Deepfake đang là trò giải trí và được người Việt ưa chuộng. Các ứng dụng Avatarify[12], Reface[13]… đang là những ứng dụng được tải nhiều nhất trên iOS và Android tại Việt Nam. Chỉ chưa tới một phút người dùng có thể tạo ra một video giả từ điện thoại. Điểm chung của các ứng dụng này, là sử dụng kỹ thuật Deepfake để trộn khuôn mặt của người này với biểu cảm và giọng nói của người khác. Trước đây, việc tạo các video Deepfake yêu cầu phần cứng máy tính mạnh mẽ, hoặc chi phí hàng chục USD cho mỗi video, nhưng nay có thể thực hiện miễn phí trên điện thoại, chỉ với vài thao tác đơn giản. Mặc dù chưa có nhiều những sản phẩm truyền hình của các đài truyền hình tại Việt Nam bị làm giả dựa trên công nghệ này, nhưng tương lai, khi mà công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh, việc tạo video từ công nghệ Deepfake ngày cảng dễ, thì nguy cơ làm giả các thương hiệu truyền hình ngày càng lớn và khó kiểm soát. Điều này đặt ra vấn đề các thương hiệu truyền hình cần chung tay và có những hành động cụ thể vào mặt trận chống tin giả này.

IV KẾT LUẬN

Qua việc khảo sát cho thấy, các thương hiệu truyền hình với ưu thế về ngôn ngữ truyền tải đang liên tục bị làm giả. Điều này do thực tế mức chi phí cho việc quảng bá quá lớn so với các cá nhân, tổ chức có quy mô nhỏ. Trong khi đó, bối cảnh hiện nay, việc tạo ra các sản phẩm tin giả lại dễ, chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh so với lợi ích đem lại, điều này là cơ chế thúc đẩy vấn nạn tin giả các sản phẩm truyền hình trở nên phong phú.

Trái ngược với thực trạng trên, các thương hiệu truyền hình mặc dù có lượng đông về nhân sự, thường xuyên bị lợi dụng thương hiệu để làm giả nhưng lại không có những giải pháp thiết thực để bảo vệ thương hiệu và ngăn chặn vấn nạn này. Trong bối cảnh, tương lai công nghệ, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển mạnh, deepfake, một sản phẩm của công nghệ có thể là mối đe doạ to lớn đối với các thương hiệu truyền hình.

Bài toán cho các thương hiệu truyền hình Việt Nam hiện nay là sớm triển khai các dự án đủ mạnh để ngăn chặn tin giả. Bước đầu có thể triển khai theo hướng Fact-check mà một số thương hiệu báo chí Việt Nam đã thực hiện là dùng nhân lực về con người. Lâu dài, nghiên cứu hoặc hợp tác để có những giải pháp kết hợp với công nghệ trong cuộc chiến chống tin giả, bảo vệ thương hiệu truyền hình trước vấn nạn tin giả nói riêng và đem lại giá trị cộng đồng nói chung.

Nguyễn Đình Hậu

Bài viết đăng trên The Vietnamese Studies Review vol19 (2), 12/2021, pp. 103-122

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sách, báo và luận văn

Blondé, J. & Girandola, F. (2016) , Revealing the elusive effects of vividness: A meta-analysis of empirical evidences assessing the effect of vividness on persuasion. Social Influence, 11(2), 111–129. doi:10.1080/15534510.2016.1157096.

De Vreese, C. H. (2005), News framing: Theory and typology, Information design journal + document design, 13(1), 51-62.

Geise, S., & Baden, C. (2015), Putting the image back into the frame: Modeling the linkage between visual communication and frame‐processing theory, Communication Theory, 25(1), 46-69.

Grabe, M. E., & Bucy, E. P. (2009), Image Bite Politics: News and the Visual Framing of Elections: News and the Visual Framing of Elections, Oxford University Press, USA

Kristina L. Zuykina và Daria V. Sokolova (2019), Content Specifics of Russian Fake News on the Internet and on Television , ВЕСТН. МОСК. УН-ТА. СЕР. 10. ЖУРНАЛИСТИКА. 2019. № 4. Truy cập chi tiết tại https://vestnik.journ.msu.ru/eng/books/2019/4/spetsifika-kontenta-rossiyskikh-feykovykh-novostey-v-internete-i-na-televidenii/

Messaris, P., & Abraham, L. (2001), The role of images in framing news stories, In S. D. Reese, O. H. Gandy, & A. E. Grant (Eds.),  Framing public life (pp. 215–226), Mahwah, NJ: Erlbaum.

Rodica M. Sutu (2019), Fake News, from Social Media to Television: Case Study of the Romanian Presidential Elections 2019, Styles of Communication, Vol.11, no 2/2019

Severin, W. (1967), Another look at cue summation, AV Communication Review, 15, 233-245, doi:10.1007/BF02768608

Stephen Harrington (2012), From the “Little Aussie Bleeder” to Newstopia: (Really) Fake News in Australia, Popular Communication, 10:1-2, 27-39, DOI: 10.1080/15405702.2012.638571

van Driel, I. I., Grabe, M. E., Bas, O., & Kleemans, M. (2016), Demographic variation in how the social brain processes news messages, Politics and the Life Sciences, 35(1), 61–73

Tài liệu Internet

Đại Việt (2020), Video tin giả vụ nổ Beirut lan truyền khắp Tiktok, Youtube và Facebook, Truy cập từ trang: https://zingnews.vn/video-tin-gia-vu-no-beirut-lan-truyen-khap-tiktok-youtube-va-facebook-post1116700.html  (truy cập ngày 17/10/2021)

Khương Nha (2019), Deepfake – “bóng ma” trong thế giới internet, Truy cập từ trang: https://vnexpress.net/deepfake-bong-ma-trong-the-gioi-internet-4034159.html (truy cập  ngày 15/10/2021)

Minh Anh (2019), Cảnh giác thủ đoạn mạo danh cơ quan báo chí để trục lợi, Truy cập từ trang: https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-thu-doan-mao-danh-co-quan-bao-chi-de-truc-loi-169166358.htm, (truy cập ngày 15/10/2021)

Nguyễn Ngọc Cương (2021), Phòng chống tin giả trên không gian mạng và cách nhận diện, Truy cập từ trang: https://www.mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/147407/Phong–chong-tin-gia-tren-khong-gian-mang-va-cach-nhan-dien.html (truy cập ngày 20/9/2021)

Phúc Nghệ (2018), Cảnh giác với chiêu trò giả mạo VTV, Truy cập từ trang: http://baovanhoa.vn/giai-tri/truyen-hinh/artmid/572/articleid/14372/canh-giac-voi-chieu-tro-gia-mao-vtv (truy cập ngày 29/9/2021)

Quang Minh (2021), Khai trương Trung tâm xử lý tin giả, Truy cập từ trang: https://nhandan.vn/baothoinay-dothi/khai-truong-trung-tam-xu-ly-tin-gia-631874/ (truy cập ngày 25/9/2021)


[1] ThS. Nghiên cứu viên, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

[2] Nội dung toàn bộ chương trình truy cập tại link: https://vtv.vn/viet-nam-hom-nay/lien-tuc-phat-hien-truong-hop-gia-mao-thong-tin-va-hinh-anh-cua-vtv-20190729192051016.htm

[3] Nội dung toàn bộ chương trình truy cập tại linnk: https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/canh-giac-voi-thong-tin-gia-mao-vtv-tren-mang-xa-hoi-20200507135808781.htm

[4] Chi tiết Biểu giá quảng cáo của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình, đài truyền hình Việt Nam năm 2021 http://tvad.com.vn/Content/uploaded/file//2020/12/30/TB_gia_08.2021_compressed.pdf

[5] Toàn văn vă bản Luật có thể truy cập tại địa chỉ https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Luat-So-huu-tri-tue-2005-50-2005-QH11-7022.aspx

[6] Dự án triển khai từ năm 2019. Đến 9/2020, dự án này đoạt giải thưởng báo chí quốc tế, hạng mục Project for New Literacy, Giải thưởng Truyền thông Digital châu Á 2020 của WAN-IFRA

[7] Thực hiện những video ngắn Fact-check và phát trên nền tảng Tiktok của TTXVN

[8] TTXVN sẽ lựa chọn các nội dung quan trọng mà người dùng đang lan truyền thông tin – những nội dung chưa biết là thật hay giả – để tiến hành kiểm tra nội dung nào là đúng, nội dung nào là sai sau đó công bố trên trang báo điện tử của mình. Hiện nay, báo điện tử Vietnamplus đã đăng rất nhiều các sản phẩm Fact-check của TTXVN.

[9] Dự án triển khai đào tạo kỹ năng phòng tránh tin giả cho học sinh tiểu học tới trung học phổ thông tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

[10] Tại Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận quan điểm báo Nhân dân là đơn vị báo chí chậm thay đổi với xu hướng, công nghệ so với các cơ quan báo chí khác

[11] Chuyên mục Fact-check trên báo điện tử Nhân dân tại địa chỉ: https://nhandan.vn/factcheck

[12] Avatarify là ứng dụng giúp người dùng chọn một bức ảnh có khuôn mặt của mình, bạn bè hoặc người nổi tiếng nào đó, đưa vào app. Sau đó, chọn một video chứa biểu cảm mong muốn, thường là video về các ca sĩ đang hát, Avatarify sẽ “hòa trộn” biểu cảm này với khuôn mặt trong bức ảnh gốc, lồng ghép thêm âm thanh, tạo nên video giống đang biểu diễn. Nhờ khả năng “hòa trộn” theo thời gian thực, người dùng còn có thể lồng tiếng nói và biểu cảm của chính mình, vào khuôn mặt của người khác.

[13] Reface ứng dụng giúp người dùng ghép mặt mình vào video của người khác

Bình luận về bài viết này